Sau khi kết hôn, kinh tế là một yếu tố quan trọng giúp giữ vững gia đình. Nhiều cặp đôi vì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền... mà nảy sinh mâu thuẫn, xấu nhất có thể dẫn tới ly hôn.
Câu chuyện một cô vợ trẻ phải ở nhà trông con, sống lay lắt nhờ tiền chu cấp của chồng dưới đây là một ví dụ. Mỗi tháng anh chồng đưa cho cô 15 triệu để chi tiêu. Số tiền này nếu tính qua có thể là lớn nhưng với mức phí phải thuê nhà trọ, con nhỏ, tiêm phòng, ăn uống sinh hoạt... cô vợ nhiều khi nhẵn ví. Xin thêm tiền của chồng thì bị mắng mỏ tiêu hoang. Nhưng cuối cùng, cách xử lý của cô vợ đã khiến chồng hiểu và hóa giải mâu thuẫn của cả hai.
Cô vợ kể: "Không biết có ai sống với chồng mà căng thẳng, áp lực tới mất ăn mất ngủ như em không. Nói không quá chứ từ ngày lấy chồng em cảm giác đúng kiểu tự mua dây buộc mình ấy.
Chồng em làm ra tiền nhưng sống gia trưởng. Cưới được hơn năm, em sinh con. Do không có người trông bé, anh ấy bắt vợ nghỉ việc ở nhà lo vun vén nhà cửa vì lương em thấp.
Bản thân em cũng không muốn ở nhà nhưng buộc trói phải chịu đòn, cố đi làm để con lay lắt cũng không đành nên em thuận theo ý chồng. Tiếc rằng anh nhà em ích kỷ lắm, miệng nói vợ chỉ việc chăm con, kinh tế anh lo. Song thực tế mỗi lần đưa vợ tiền mà như thể bố thí cho ăn xin, ăn mày ấy.
Lương chồng em 22 triệu, 1 tháng đưa vợ 15 triệu, 7 triệu anh nói để anh còn tiêu pha. Nói thật, nếu chỉ có 2 vợ chồng thì từng ấy tiền em chi tiêu ổn nhưng có thêm đứa con, nguyên sữa bỉm của nó đã gần 4 triệu, chưa kể lúc ốm đau tốn kém ngang ngửa từng ấy nữa, thêm tiền nhà 1 tháng đi đứt 3 triệu nữa. Thế mà chồng vẫn nghi em giấu tiền làm vốn riêng mới bực chứ. Tháng nào chi tiêu bị âm, em bảo đưa thêm tiền là kiểu gì anh cũng cằn nhằn câu: 'Ăn tiêu kiểu gì mà như phá mả hay cô lại giấu tiền của tôi đi đâu?'. Thật sự nếu không phải vì con chắc em bất cần luôn.
Tháng vừa rồi con không ốm nhưng tiêm phòng 2 mũi mất hơn 2 triệu, lại bà nội lên chơi lúc về em biếu 5 trăm đi đường thành thử cuối tháng nhẵn sạch ví. Sáng hôm đó xách làn đi chợ, em bảo chồng đưa cho mấy đồng mà anh gắt gỏng mắng vợ như tát nước. Nào là phụ nữ mà không biết ăn tiêu, chỉ suốt ngày bòn mót ví chồng. Nói xong, anh dắt xe đi. Nhất định không đưa thêm tiền cho vợ.
Như mọi khi em còn cố xoay, lúc thì vay bố mẹ đẻ, lúc gọi em gái viện trợ cho đôi ba triệu tiêu tạm, đi làm sẽ tiết kiệm trả lại nó sau. Lần này em mặc kệ, có thế nào tiêu thế đấy, không việc gì phải gồng mình khi chồng chẳng biết đấy là đâu.
Tối ấy đi làm về, nhìn mâm cơm em dọn sẵn chỉ có mỗi đĩa rau luộc, đĩa đậu luộc, anh trợn mắt quát vợ: 'Một tháng tôi đưa từng ấy tiền, cô ăn tiêu kiểu gì mà giờ để chồng phải ăn đậu luộc? Cứ cái kiểu tiêu hoang phá hại thế này, đừng trách tôi không đưa cho đồng nào đó'.
Để chồng nói xong, em lẳng lặng về phòng cầm ra cuốn sổ nhỏ ghi chép đầy đủ các khoản chi tiêu trong tháng, đặt cạnh mâm cơm bảo: 'Đấy, em ăn tiêu phá mả hay không anh cứ đối chiếu sẽ rõ 15 triệu đưa em nó đi đâu.
Từng xu từng hào chi ra, em ghi hết lại đó. Anh nhìn sang cột ghi chú ấy xem một tháng anh đưa vợ từng ấy tiền nhưng thực tế anh lấy lại bao nhiêu. Lúc thì anh lấy vài trăm đi cà phê, lúc thì anh mượn cả triệu, nói hôm sau trả lại mà anh có trả đồng nào.
Mọi khi cuối tháng hết tiền, anh vẫn có thịt cá ăn là do em vay mượn đó. Tháng này em không vay thêm, có đậu luộc ăn là khá rồi'.
Chồng em nhìn cuốn sổ chi tiêu của vợ ngồi im bặt rồi lấy bát đưa vợ xới cơm không nói thêm câu nào. Tới đêm đợi con ngủ, anh mới quay sang ôm vợ xin lỗi nhận mình vô tâm. Từ hôm sau, em thấy anh thay đổi khác hẳn, tiền đưa vợ không 'đánh tỉa' lại, cũng không nghi ngờ em giấu giếm cất quỹ đen như trước nữa nên em đỡ căng thẳng hơn các chị ạ!"
Thiên Thanh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)