Chị tuổi Dần, sinh vào đúng hôm rằm. Các cụ nói “Trai mồng một, gái đêm rằm”, chị muốn dịu dàng nhưng không thể. Hình như đanh đá, ghê ghớm là tính của chị rồi. Năm học cấp 3, nhìn thầy thể dục đẹp trai chị đã chủ động tán tỉnh. Chị đã trải qua vài ba mối tình, sâu sắc có, đùa vui có. Chị thích làm đứa con gái chủ động “vác cưa đi đốn cây” vì nghĩ thời nào rồi mà còn đợi “trâu đi tìm cọc”.
30 tuổi, anh chưa mảnh tình vắt vai, nói chuyện thật thà như đếm. Nghe anh trải lòng: “Anh yêu thầm em ấy mấy năm, em ấy cũng có vẻ yêu anh. Nhưng một ngày em ấy bất ngờ đưa thiệp hồng”, chị cười sặc sụa nghĩ: “Thời đại công nghệ, nhiều đôi yêu, cưới nhanh như chớp, sao vẫn còn sót lại kẻ ngu ngơ thế. Yêu mấy năm chưa kịp ngỏ lời, anh đừng mơ lấy được vợ”.
Anh chị làm cùng nhà hàng. Anh là đầu bếp, chị làm phục vụ. Nghỉ giải lao, mọi người tụ tập đánh tá lả, hay gán ghép anh với chị, chủ yếu trêu chọc anh. Mặt anh đỏ như gấc chín, tay gãi đầu, lúng túng như gà mắc tóc, nhìn đến là buồn cười. Chị bạo mồm: “Trai nào em cũng yêu, miễn là trai nguyên chất, đừng pha. Trai đầu bếp lại càng đúng sở thích của em”.
Hôm đó chị mệt, cơm trưa không ăn được. Anh nấu cho chị bát cháo nóng hổi bưng ra: “Em ăn nhanh đi cho mau khỏe”. Chị cảm động lắm, từ bé tới giờ, lần đầu tiên chị được một người đàn ông tận tay nấu cháo cho ăn. Chị thấy anh hiền lành, tốt bụng, tình cảm. Những gã trai như thế, sau đỡ lo rượu chè, cờ bạc, gái gú bên ngoài. Chị 27 tuổi cũng nghĩ đến chuyện lấy chồng, chị “cưa” anh thật.
Anh chị nên duyên vợ chồng. Nhưng sống với nhau mới hơn 2 năm, chị đã chán ghét tính hiền như bột của anh. Chị thường nói: “Anh đừng hiền quá hóa ngu người ra, mà người ngu thì khó sống ở xã hội này lắm!”. Anh không tự quyết được việc gì, việc lớn thì chị không nói, nhưng việc nhỏ nhặt anh cũng phải chờ hỏi ý kiến mẹ. Chị và mẹ chồng không hợp nhau, mẹ chồng ghét chị như hắt nước đổ đi, chị cũng không kém.
Nhiều lúc chị phát điên với gã chồng hiền lành của mình (Ảnh minh họa).
Chị mang thai, ốm nghén ghê lắm, người mệt mỏi, ăn vào là nôn. Chị phải tạm thời nghỉ làm. Thấy chị nằm nhiều trên giường, mẹ chồng ngứa mắt, thỉnh thoảng chửi vọng vào phòng: “Loại đàn bà lười chẩy thây, nằm mà ăn bám chồng. Ngày xưa tao chửa 8 tháng phải làm việc quần quật...”. Chị tức nghẹn cổ. Không muốn to tiếng, chị nhẫn nhịn, anh ngồi im như thóc, cấm mở miệng bênh vợ được câu nào.
Lương anh thấp, thời gian rảnh thì nhiều. Nhà khó khăn anh cũng kệ, không tính làm thêm gì kiếm đồng ra đồng vào. Mẹ chồng không bòn rút của vợ chồng chị nhưng chưa cho anh chị được đồng nào bao giờ. Chị phải mang 2 chỉ vàng mẹ cho làm hồi môn đi bán. Bụng bầu 5 tháng, to lùm lùm, chị vất vả nhờ người quen xin cho công việc làm tạm, còn có tiền chuẩn bị sinh nở.
Hai vợ chồng dành dụm bao lâu mới được chút tiền phòng khi có việc. Nghe lời bạn ngon ngọt thế nào, anh lấy hết góp vốn chung làm ăn. Chị điên lộn ruột: “Anh biết thực hư người ta kinh doanh gì chưa hay chỉ nghe hơi nồi chõ. Cái ngữ đầu trộm đuôi cướp đấy anh cũng tin. Lấy tiền về đây cho tôi!”.
Anh cứ lần khần, mãi sau thì lí nhí: “Em lấy hộ anh, anh ngại lắm, bạn bè với nhau...”. Chị thở dài. Vì tin bạn mà anh để tiền "một đi không trở lại” đâu phải ít. Bao lần anh vẫn không rút ra được bài học gì cho bản thân.
Cả năm có mấy ngày lễ Tết, vợ chồng không giàu có gì, nên những ngày thường chị đâu có cho bố mẹ ở quê được đồng nào. Ngày Tết chị muốn biếu các cụ mấy đồng sắm sửa cái tết cho tươm tất, chị hỏi thì anh bảo: “Anh không biết, để anh hỏi mẹ xem biếu bố mẹ em bao nhiêu thì hợp lý”. Chị quát: “Anh biến xuống ngủ với mẹ đi”.
Chị dọn dẹp sắp xếp nhà cửa thế nào cũng không vừa mắt mẹ chồng, bà cạnh khóe: “Nhà quê chúng mày ăn ở bẩn thỉu thế này sao, để nhà cửa không khác gì cái chuồng lợn. Lên ở nhà tao, thành phố thì phải học sống sạch sẽ”. Chị mở cửa phòng: “Con nhà quê, nhưng mẹ cũng nên nhớ mẹ ở đâu ra. Các cụ dặn sống đừng quên gốc gác tổ tiên”. Bà giận tím mặt, quay ngoắt đi: “Đồ mất dạy, nhà tao coi như vô phúc có đứa con dâu như mày”.
Anh thấy mẹ giận thì bảo: “Em cãi nhau với mẹ hay ho gì, chịu khó dọn nhà cho mẹ bớt tức mắt”. Ba máu sáu cơn chị nổi lên: “Anh xuống xin mẹ cái váy mặc ngay vào cho tôi. Anh tài giỏi như thằng khác, tháng kiếm chục triệu về, tôi làm ô sin cho mẹ con anh. Khổ nỗi anh thế này nên ngày tôi phải chường mặt ra xã hội kiếm tiền, thời gian còn lại phải chăm con”.
Chị tăng ca muốn kiếm thêm tiền mua sữa cho con. Chị đi làm là mẹ anh khó chịu vì bà phải trông cháu. Nghe mẹ xui anh gọi điện giục: “Em về trông con, làm một tiếng được mấy đồng mà ham”. Chị nghĩ mà chán: “Hai người ở nhà mà không bế được con? Anh không bú sữa mà việc gì anh cũng cần mẹ dắt mũi. Tôi đi làm kiếm 1 đồng cũng là tiền, cứ nằm ngửa như anh há miệng chờ sung rụng à?”.
Anh mất việc mấy tháng nay. Chị làm về thấy chồng cứ ngồi ì cắm đầu vào máy tính chơi điện tử, con thì nghịch bẩn dưới nền nhà. Chị cáu: “Anh tìm việc thế nào?”, anh lại lí nhí: “Anh tìm mấy nơi rồi, nhưng khó lắm”.
Chị lên giọng: “Em không cần biết khó thế nào, sang tháng nhất định anh phải đi làm. Chơi thế đủ rồi!”. Chị biết kinh tế khó khăn, tính anh thì chậm chạp, cù lần, tìm việc đâu phải dễ. Chị lại phải chạy vạy, hỏi han, nhờ hết chỗ này chỗ kia để anh có việc đi làm.
Chị thở dài mệt mỏi, làm thân đàn bà mà việc lớn việc nhỏ gì trong gia đình cũng một tay chị gánh vác. Lúc nào chị cũng phải làm chỗ dựa cho gã chồng hiền thì đúng hơn. Giờ thì chị chỉ mong sao chồng chị nhanh nhẹn tháo vát bằng nửa chồng người khác cho mẹ con chị được nhờ…
Theo Trí Thức Trẻ