Một người xa lạ sẽ không đủ tin tưởng để bạn lấy làm chồng
Bạn sẽ không thể hình dung được toàn bộ cuộc sống của bạn với một người nào đó cho đến khi bạn biết khá rõ về họ. Nguyên nhân hàng đầu khiến người ta phản đối các cuộc hôn nhân sắp đặt, mai mối, giới thiệu đó là cưới nhau về, hai người mới phát hiện ra không có điểm gì chung, lúc ấy mọi chuyện đã quá muộn.
Trái lại, đối với một người mà bạn đã có thời gian yêu đương, tìm hiểu, bạn sẽ biết được khá nhiều sở thích, thói quen, tính cách của họ trước khi về chung sống. Điều này sẽ khiến cuộc hôn nhân của bạn dễ dàng hơn rất nhiều.
Bạn sẽ phải tự chịu trách nhiệm cho quyết định quan trọng nhất cuộc đời - chọn người
lấy làm chồng (Ảnh minh họa).
Tình yêu là động lực lớn nhất của hôn nhân
Khi bạn đang say đắm trong tình yêu với một chàng trai, tình yêu chính là động lực lớn nhất để bạn mong muốn nắm giữ lấy mối quan hệ và vun vén cho nó tiến triển đến một giai đoạn khác - hôn nhân. Nhưng khi bạn được ai đó giới thiệu cho một người xa lạ, dù người đó quả quyết rằng đối tượng mà bạn gặp mặt rất tốt, rất phù hợp để tiến tới hôn nhân thì bạn cũng không có chút động lực nào để tính chuyện tương lai với họ.
Đối với những cuộc hôn nhân sắp đặt, bạn luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ làm thế nào để mình thoát ra khỏi cuộc sống chung tù túng và quá nhiều khác biệt này. Trong khi đó, khi bạn yêu rồi tiến tới hôn nhân, bạn sẽ luôn mong mỏi và cố gắng cùng người ấy vượt qua mọi khó khăn để dắt tay nhau đi đến cuối cuộc đời.
Bạn phải tự chịu trách nhiệm cho chính quyết định của mình
Nhất là quyết định đó liên quan đến cả cuộc đời bạn. Chắc chắn chẳng ai muốn rơi vào tình cảnh khi sáng nào thức dậy cũng thấy mệt mỏi, đau khổ vì nhận ra cuộc hôn nhân của mình là một mớ hỗn độn không lối thoát. Rất nhiều người trải qua hôn nhân sắp đặt thường có suy nghĩ "Giá như ngày ấy mình đừng nghe lời mẹ", "Nếu được làm lại, mình sẽ không bao giờ lấy người ấy làm chồng..." và hay xuất hiện tư tưởng đổ lỗi cho người khác.
Trong cuộc sống cũng như trong tình yêu - hôn nhân, chỉ có tự chịu trách nhiệm cho chính quyết định của mình thì bạn mới tìm ra cách gỡ rối cho những khúc mắc mà bạn mắc phải. Nói khác đi, khi tự quyết định người chồng tương lai thay vì nghe theo sự sắp đặt của người khác, bạn sẽ biết cách để tự điều chỉnh cuộc sống gia đình mình sao cho phù hợp và hài hòa nhất.
Trái người với những người kết hôn vì tình yêu, mỗi khi gặp chuyện không hài lòng, những người sống trong hôn nhân sắp đặt sẽ đổ lỗi lầm đó do chính người mai mối tạo nên. Họ muốn thoát ra khỏi "mớ bòng bong" mà mình phải đối mặt thường ngày với chồng, muốn tìm một lối thoát, song lúc này, những người đã sắp đặt hôn nhân sẽ không dám tiếp tục đưa ra một lời gợi ý cho cuộc hôn nhân của bạn. Bởi thế, hôn nhân sắp đặt sẽ khiến bạn phải đối mặt với hết mâu thuẫn này đến trở ngại khác.
Vì những lý do trên, bạn có thể thấy tự lựa chọn người bạn đời cho mình là tốt hơn hết. Sẽ không có ai để bạn đổ lỗi. Trong trường hợp xấu nhất là hôn nhân tan vỡ, cũng không có ai phải day dứt vì đã sắp đặt hôn nhân cho bạn.
Đừng để phải hối hận vì nghe theo sự sắp đặt hôn nhân của người khác (Ảnh minh họa).
Chỉ bạn là người biết rõ nhất về mình
Không một người nào biết được chính xác đối tượng mà bạn muốn chung sống cả đời, người có thể mang lại hạnh phúc dài lâu cho bạn hơn chính bản thân bạn. Chỉ bạn mới có thể biết được tất cả những gì mình trông đợi vào hôn nhân.
Nếu bạn không hẹn hò với ai nhưng lại có ý định kết hôn, người này giới thiệu cho bạn anh A, người kia đề xuất chàng B. Những người đàn ông đó đều có đủ các tiêu chuẩn mà bạn mong đợi ở người chồng tương lai, song sự lựa chọn cuối cùng phải là bạn. Đừng bao giờ nghe theo lời khuyên nhủ của người khác khi quyết định người mình sẽ lấy làm chồng, bởi trong mắt họ, anh A có thể tốt hơn anh B, song thực tế anh B lại phù hợp với bạn nhất.
Lựa chọn người sẽ lấy làm chồng không phải là chọn ra người đàn ông hoàn hảo nhất mà phải chọn được chính xác người tương thích với bạn nhất. Để làm được điều này, chỉ bạn mới là người đủ hiểu biết để đưa ra quyết định đúng đắn.
Phải biết điều chỉnh bản thân vì hôn nhân
Bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng đòi hỏi sự hy sinh và thỏa hiệp từ hai phía. Bạn sẽ phải từ bỏ một số kỳ vọng nhất định về chồng, phải dẹp bỏ cái tôi cá nhân ích kỉ hẹp hòi... Trái lại, muốn hôn nhân hạnh phúc, người chồng cũng phải biết từ bỏ một số sở thích cá nhân không phù hợp với cuộc sống chung đôi, phải điều chỉnh lối sống, thói quen... Tư tưởng sẵn sàng điều chỉnh bản thân sau khi kết hôn sẽ đến một cách dễ dàng hơn nếu như bạn lấy người mà bạn đã yêu thương từ trước. Bạn sẽ cảm thấy mình tự nguyện, sẵn sàng thay đổi bản thân để đánh đổi lấy hạnh phúc bên người ấy.
Trái lại, khi sống trong hôn nhân sắp đặt, tâm lý sẵn sàng điều chỉnh bản thây diễn ra khá khó khăn, bạn dễ nảy sinh suy nghĩ: "Tại sao mình phải thay đổi, người ấy liệu có đáng để mình thay đổi". Cội nguồn của tâm lý này là do hai người không có sự gắn bó với nhau sâu sắc, không ràng buộc nhau bằng tình yêu trước khi kết hôn.
Một khi bạn không chịu điều chỉnh bản thân thì sẽ khó mà thích nghi với hôn nhân. Hậu quả của việc này là vô vàn rắc rối, va chạm khó tránh khỏi trong cuộc sống chung giữa bạn và chồng mình.
Tri Thức Trẻ