Một tối, bà nói với chồng tôi: “Các con còn trẻ, khí huyết hừng hực, nhưng chung đụng quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Chi bằng Chung Ninh ngủ riêng từ thứ hai tới thứ 6 tại phòng phía nam, cuối tuần hãy ngủ chung với vợ”…
Lần đầu gặp Chung Ninh, ấn tượng sâu sắc đọng lại trong tôi là một người con trai vui tính. Nhưng mỗi lần nhắc tới mẹ, giọng anh bỗng run run thương cảm. Cha mất sớm, mẹ một mình tần tảo nuôi hai chị em anh trưởng thành. Chị gái sau khi kết hôn đã theo chồng sinh sống tại tỉnh khác, còn lại Chung Ninh và mẹ quây quần bên nhau. Chỉ cần chạm tới từ “mẹ”, khóe mắt anh lại rưng rưng lệ. Và lòng hiếu thuận ấy đã khiến tôi thêm phần rung động.
“Mẹ chồng coi tôi là địch?”
Tới thăm nhà anh, lần đầu tiên tôi chạm mặt bà, người phụ nữ có vị trí quan trọng bậc nhất với Chung Ninh. Sạch sẽ, ngăn nắp, hiền hòa nhưng ít nói là ấn tượng đầu tiên của tôi về bà. Có lẽ vì biết trước hoàn cảnh của gia đình người yêu, tôi bỗng có cảm giác gần gũi lạ thường. Mỗi lần tới chơi, tôi lại ra sức làm việc nhà, mong bà thêm vui vẻ.
Chứng kiến sự thân mật của chúng tôi, Chung Ninh rất hạnh phúc. Khi đó anh đã 30, tôi cũng không còn trẻ trung gì nên hôn sự nhanh chóng được cử hành. Mẹ chồng cũng bận rộn và háo hức ra mặt. Khi kết hôn, Chung Ninh bỗng khai thật, trước đây anh từng có vài bạn gái nhưng đều bị mẹ phản đối. Còn vì sao mẹ chấp nhận tôi, anh chỉ trả lời ngắn gọn, đó là bởi duyên phận.
Tới thăm nhà anh, lần đầu tiên tôi chạm mặt bà, người phụ nữ có vị trí quan
trọng bậc nhất với Chung Ninh. (ảnh minh họa)
Dù cơ quan Chung Ninh đã cấp nhà cho hai vợ chồng, nhưng vì không muốn mẹ phải chịu cảnh cô đơn, nên anh thuyết phục tôi dọn về ở chung. Chỉ vài ngày sau, tôi đã hiểu Chung Ninh thực sự là “quả trứng vàng” được mẹ nâng niu, chăm chút từng ly từng tí. Sáng nào bà cũng nấu cho anh món cháo kê khoái khẩu. Trước khi con trai ra khỏi cửa còn cố với theo nhắc nhở mang thứ này, thứ nọ. Có hôm trời đổ mưa to, tôi vội tìm ô cho chồng thì phát hiện mẹ đã để sẵn trong xe.
Không gian bếp cũng bị bà độc chiếm để làm những món Chung Ninh thích ăn. Lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, bà lại càng thể hiện sự quan tâm thái quá khi liên tục gắp đầy thức ăn vào bát con trai mình và săn sóc anh như một đứa trẻ nít. Quần áo chồng tôi thay ra cũng một tay mẹ giặt giũ. Tôi cố giành phần thì bà cương quyết từ chối với lý do con dâu giặt không sạch, khiến bà không yên tâm.
Bức xúc vì cách cư xử thái quá của mẹ, tôi phàn nàn với chồng. Anh chỉ cười trừ lý giải, từ xưa tới nay mẹ vẫn chăm sóc anh như vậy. Đó là thói quen bấy lâu của bà. Nếu giành hết phần việc sẽ khiến bà chán chường vì quá nhàn rỗi. Dần dần, mẹ lạnh nhạt với tôi, thậm chí đôi lúc xem tôi như người ngoài.
Có lần, tôi dự bữa tiệc của một người bạn nên về muộn. Vừa bước tới cửa đã nghe thấy hai mẹ con đang rôm rả trò chuyện. Nhưng vừa nghe thấy bước chân tôi, bà bỗng nhỏ giọng rồi khẽ đóng sập cửa phòng. Tôi đứng người rồi lặng lẽ về phòng mình. Đó là lúc tôi đau khổ nhận ra mình chỉ là kẻ xa lạ trong ngôi nhà này. Thậm chí cả Chung Ninh cũng rất xa lạ.
Chợt ký ức ùa về trong tôi. Câu chuyện về những người bạn gái cũ của chồng khiến tôi suy nghĩ. Lẽ nào vì sợ Chung Ninh có vợ mà lãng quên mẹ nên bà không đồng ý một ai trong số họ? Lẽ nào sự xuất hiện của tôi đã phá vỡ cuộc sống vốn bình lặng của mẹ con họ, hay vì bà đã xem tôi là “kẻ địch” trên phương diện tình cảm?
Dù thế nào chăng nữa, tôi vẫn hiểu rằng mẹ luôn mong hai vợ chồng tôi hòa thuận, hạnh phúc. Nhưng mỗi lần thấy chúng tôi quấn quýt, bà lại hụt hẫng. Có lần, tôi và Chung Ninh tay trong tay về nhà, đang tíu tít cười đùa thì đụng ngay mẹ. Không thèm liếc nhìn, bà quay người đi thẳng vào phòng. Lúc sau, bà thẽ thọt với chồng tôi: “Người lớn cả rồi còn nắm tay nắm chân, mọi người nhìn vào thì ra thể thống gì nữa”. Chung Ninh chỉ cười hiền, còn tôi ôm cả bụng tức vì cách quản lý quá khắt khe của mẹ. Có lần, tôi cố tình nắm tay chồng khi đi làm, ai ngờ, anh chẳng nói chẳng rằng vội buông ra rồi bước thẳng.
Chồng là “tài sản riêng” của mẹ
Chính vì những chuyện này mà tôi dần ác cảm với mẹ chồng. Còn Chung Ninh thì ra sức thuyết phục vợ không nên để bụng mà hãy cố gắng chiều lòng bà bởi cụ đã cao tuổi.
Mùa xuân năm ấy, tai họa ấp xuống gia đình tôi khi Chung Ninh bị đâm xe trên đường cao tốc sau chuyến công tác dài ngày. Vừa nghe tin, mẹ khóc ngất và liên tục than vãn nếu con trai có mệnh hệ gì thì bà cũng không thiết sống. May mắn là anh chỉ bị gãy chân, sau cuộc phẫu thuật và phải đóng đinh nằm an dưỡng trong viện ba tháng trời, Chung Ninh đã hồi phục trở lại.
Khi chồng tôi xuất viện, anh van xin tôi đừng tiếp tục “chiến tranh” với mẹ,
nếu không anh sẽ rất đau lòng. (ảnh minh họa)
Khi phẫu thuật, mẹ không ngừng khóc. Tôi càng ra sức khuyên nhủ, bà càng tỏ thái độ giận dỗi, thậm chí còn buông lời trách móc: “Vì đó không phải là con trai cô nên cô không xót!”. Chỉ nghe có vậy, bao nhiêu uất ức dồn nén bấy lâu bỗng vỡ òa, tôi gay gắt tranh cãi với mẹ chồng. Vừa lúc đó, Chung Ninh hoàn thành ca mổ, lờ mờ trông thấy mẹ chồng – nàng dâu xung đột, anh yếu ớt cất tiếng van xin chúng tôi hãy làm hòa.
Cơ quan Chung Ninh cử người tới săn sóc anh, mẹ cũng gạt phăng từ chối rồi xua họ về với lý do chỉ khi tự tay chăm chút con trai, bà mới yên tâm. Tôi ngỏ ý muốn ở lại chăm chồng cho thuận tiện, bà liền vặn vẹo: “Tôi là mẹ nó, có gì mà không tiện?”. Lúc đó, tôi trống rỗng vô cùng. Đây có phải là một gia đình kỳ quái và vị trí của tôi ở đâu trong tổ ấm này? Chung Ninh có phải là chồng của mình hay chỉ là tài sản riêng của mẹ chồng?
Khi chồng tôi xuất viện, anh van xin tôi đừng tiếp tục “chiến tranh” với mẹ, nếu không anh sẽ rất đau lòng. Thương anh, tôi lại cắn răng chịu đựng. Nhưng tới một tối mùa đông, khi rời khỏi giường đi vệ sinh, tôi chợt phát hiện mẹ chồng mặc quần áo ngủ đứng chặn trước cửa phòng. Vừa trông thấy con dâu, bà liền giật mình rồi rối rít bao biện: “Mẹ lo con trai ngủ không ngon giấc, đạp chăn tứ tung nên tới ngó xem”.
Thật quá thể, thật đáng sợ! Lẽ nào trước đây bà cũng hay án ngữ trước phòng ngủ của vợ chồng tôi? Không thể chấp nhận chuyện xâm phạm đời tư như vậy, tôi lay gọi Chung Ninh để yêu cầu chồng phải nói chuyện rõ ràng với mẹ rằng phòng ngủ của chúng tôi là “cấm địa” của bà.
Thấy tôi gay gắt, Chung Ninh liền lý giải, ngày anh còn nhỏ, hai mẹ con vẫn ngủ chung giường. Tới khi con trai trưởng thành, bà mới tách riêng. Nhưng nửa đêm vẫn trở dậy tới đắp chăn cho con. Nghe lý do đó, tôi càng không thể nguôi giận. Mỗi thời một khác. Giờ con trai bà đã là chồng người ta, lẽ nào vẫn giữ nếp sinh hoạt như cũ? Chung Ninh vội trấn an với lời hứa sẽ tìm cơ hội thích hợp để nói chuyện với mẹ.
Ba ngày sau, tôi vặn hỏi, anh nói đã tâm sự với bà. Từ đó tôi không thấy mẹ chồng xuất hiện trước cửa phòng, nhưng để cảnh giác, tôi đều khóa cửa ngủ cho ngon giấc. Nghĩ rằng tôi xử sự hơi quá, Chung Ninh khuyên tôi nên đặt mình vào vị trí của mẹ mà cảm thông, mở lòng. Thật ra tôi có thể hiểu cho bà, nhưng quả thực không chấp nhận nổi cách cư xử như vậy.
Cấm vợ chồng chung đụng chăn gối
Tôi cứ nghĩ chuyện canh chừng trước cửa phòng ngủ đã là đỉnh điểm, nhưng cách cư xử quá quắt của mẹ chồng vẫn tiếp diễn và càng trở nên tệ hại hơn.
Một tối, sau khi cơm nước xong xuôi, bà nói với Chung Ninh: “Sinh mệnh của con cũng là nguồn sống của mẹ. Mẹ không thể thiếu con, càng không thể để sức khoẻ của con bị hao mòn, nếu không còn biết trông cậy vào ai? Các con còn trẻ, khí huyết hừng hực, nhưng nếu chung đụng nhiều quá sẽ không tốt cho sức khỏe. Chi bằng Chung Ninh ngủ riêng từ thứ hai tới thứ 6 tại phòng phía nam, cuối tuần hãy ngủ chung với vợ”.
Mặt tôi dần biến sắc khi nghe những lời ngỡ như hoang đường này. Đó là điều chỉ có trong cuốn tiểu thuyết tôi từng đọc, ngờ đâu lại ứng vào cuộc sống của chính mình. Không nuốt nổi một hạt cơm, tôi bỏ bát lao về phòng, mặc cho chồng ra sức gọi.
Nằm bẹp trên giường, nước mắt giàn giụa, tôi không thèm dậy dọn dẹp. Chồng tôi lẳng lặng rửa bát đũa rồi ngồi xem ti vi với mẹ hồi lâu mới vào phòng. Trông thấy tôi mắt đỏ hoe, anh cười cười ra bộ an ủi: “Sao thế em? Mẹ làm vậy cũng là muốn tốt cho mình thôi. Để xuôi chèo mát mái, tối nay là thứ ba, anh sang phòng kia ngủ nhé”.
Nói là làm, Chung Ninh ôm chăn gối đi thẳng. Tôi càng nổi cơn tam bành, đứng phắt dậy làm mặt lạnh tuyên bố: “Nếu anh bước ra khỏi cửa, hôm nay chúng ta sẽ ly hôn!”. Nghe thấy vậy, mẹ liền gọi anh vào phòng rồi thủ thỉ hồi lâu. Lúc sau Chung Ninh quay lại giường, hí hửng thông báo: “Mẹ nói bắt đầu thực thi kế hoạch từ tuần sau. Tối hôm nay coi như xí xóa!”.
Quả nhiên, người chồng ngờ nghệch của tôi nghe lời mẹ răm rắp. Từ thứ hai tới thứ 6, anh ngon giấc một mình bên căn phòng phía Nam, bỏ mặc tôi một mình ấm ức. Tôi cố thuyết phục bao nhiêu cũng trở nên vô ích. Chung Ninh chỉ cười rồi nói: “Mẹ già rồi, nhiều chuyện xử xự như một đứa trẻ. Na Na, em hãy cố gắng khoan dung hơn được không?”. Tới lúc này tôi mới vỡ lẽ, với anh, dù mẹ làm sai hay đúng vẫn được ưu ái xem là đúng, là phải đạo.
Mỗi lần trở về nhà, tôi đều có cảm giác như đang đối diện với kẻ thù, thậm chí hoảng sợ tới mức không muốn bước chân vào cửa.
Có lẽ đã tới lúc phải ly hôn. Nhưng Chung Ninh vẫn rất yêu thương tôi. Tôi biết rõ điều đó, dù cho anh có giả bộ phớt lờ những nỗi buồn chất chứa trong tôi. Có lần tôi ốm, nửa đêm lên cơn sốt đùng đùng. Anh vội vàng đưa tôi tới viện cấp cứu. Hành động ấy khiến tôi rất cảm động. Nằm trên giường bệnh, tôi nắm tay anh nghẹn ngào cầu xin hãy dọn ra ở riêng. Chung Ninh trân trân nhìn tôi rồi cất giọng buồn rầu: “Em cũng biết đó là điều không thể. Mẹ chỉ còn mình anh, làm sao anh có thể bỏ mặc bà cô đơn thui thủi”.
Ý định sống riêng của tôi bị mẹ chồng phát hiện. Cảm nhận được nguy hiểm cận kề, bà hoảng loạn tìm Chung Ninh hỏi rõ ngọn ngành: “Có phải con muốn chuyển ra ngoài sống với Na Na? Vậy thì mẹ biết trông cậy vào ai?”. Anh kể lại cho tôi những lời cầu khẩn của mẹ, vừa nói vừa ôm mặt khóc, khiến tôi quá bối rối. Tôi hiểu anh thương xót cho bà, nhưng còn tôi thì sao? Tôi đã quá tuyệt vọng. Phải làm sao đây? Ai có thể đưa ra giúp tôi lời khuyên hữu ích lúc này?
Lời bàn
Nhiều người quan niệm, các bà mẹ Trung Quốc có tâm lý “sủng ái con trai” mình. Đó cũng là chuyện thường tình. Và càng không khó lý giải khi người mẹ ấy đã góa bụa, một mình tần tảo nuôi con lớn khôn. Nói cách khác, con trai chính là nguồn sống duy nhất của họ, là nơi ủy thác niềm tin của họ. Còn người con, dưới sự bao bọc và tình yêu thương mãnh liệt ấy cũng nảy sinh tâm lý dựa dẫm, ỷ lại và tôn sùng mẹ một cách tuyệt đối. Chung Ninh, người con trai trong bức thư này cũng vậy, anh luôn “chấp nhận”, luôn “khoan dung” với mọi hành động của mẹ mình.
Nhưng mọi việc đều nên có giới hạn. Nếu thái quá sẽ khiến mọi chuyện đi quá xa và thay đổi bản chất. Một khi tâm lý “sủng ái con trai” bị biến chất, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu ắt sẽ trục trặc. Và lúc này người con trai phải biết cách dung hòa, đóng vai trò cầm trịch để quyết định mọi việc trong gia đình. Nhưng Chung Ninh lại tỏ ra lúng túng và kém cỏi. Giá như anh có thể giải thích cho mẹ về những điểm chưa đúng bà đã làm, giá như anh có thể sẻ chia, cảm thông và cùng tìm hướng giải quyết với vợ, thì mọi việc sẽ trở nên thuận buồm xuôi gió.
Ngoài ra, hai vợ chồng Chung Ninh, Na Na có thể giúp mẹ tìm thấy niềm vui lúc tuổi già thay vì chăm chăm lo lắng cho con. Hãy giúp bà chăm chút tới bản thân và khiến cuộc sống trở nên thi vị bằng cách tham gia những sinh hoạt cộng đồng khác.
Đất Việt