Ác cảm với những người xu nịnh sếp
Hoàng Đông Giang không có thiện cảm với những người hay xu nịnh.
Nhân viên văn phòng Hoàng Đông Giang bày tỏ suy nghĩ một cách thẳng thắn: “Giang thật sự không thích xu nịnh người khác, mình có thể làm hài lòng sếp bởi những lời nói dễ nghe chứ không phải làm quá lên. Việc kính trọng sếp là dĩ nhiên nhưng chuyện các đồng nghiệp đua nhau xum xoe, xu nịnh sếp, mình không thích chút nào. Tuy nhiên, đó là việc của họ, Giang không quan tâm. Mình thấy những người thích nịnh nọt sao rảnh quá chừng, mình dán mắt vào máy tính hơn 8 tiếng một ngày mà vẫn chưa hết việc”.
Cô kể thêm một kỷ niệm đáng nhớ khi còn làm ở công ty cũ: “Ngày xưa, chỗ mình làm, có cô kia chuyên nịnh nọt sếp, hễ sếp mặc áo gì cũng khen, dịp nào cũng tặng quà sếp. Nhưng sau lưng thì chửi sếp không ra gì. Sống như vậy quả là mệt mỏi và mình rất ác cảm với những người hai mặt. Nếu không thích sếp thì đừng nịnh, rồi hùa nhau nói xấu sếp, làm người nên có chính kiến bản thân. Sếp là người trả lương cho mình, là cấp trên, người anh, người thầy. Xưa giờ chỉ nghe nhận lương chứ không cho lương, vì thế mình đừng nên cúi mình quá thấp như vậy.”
Những người chỉ biết xu nịnh sớm muộn cũng phải nhường đường cho người có năng lực hơn
Nguyễn Phương Trâm cho rằng, người có năng lực rồi sẽ có chỗ đứng
xứng đáng mà không cần xu nịnh.
Chuyên viên Chăm sóc khách hàng Nguyễn Phương Trâm lại có một cách nhìn nhận khá sâu sắc: “Bản thân mình đã đi làm được hơn 4 năm ở công ty nước ngoài, nhìn chung công ty nào cũng có người này, người kia. Làm việc trong một tập thể lớn ai chẳng mong muốn có một cơ hội thăng tiến để phát triển bản thân và sự nghiệp. Có người sẽ thể hiện tài năng và tâm huyết để đạt được mục tiêu mình mong muốn. Có người không đủ năng lực thì sẽ chơi chiêu, dùng mánh khóe. Môi trường công sở là nơi chúng ta nhìn rõ nhiều bộ mặt, tính cách của con người nhất.
Mình nghĩ chuyện lấy lòng sếp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính cách của sếp và mức độ cạnh tranh trong công sở. Nếu sếp công tư phân minh, chắc chắn sếp sẽ theo dõi, đánh giá năng lực thực sự của nhân viên, nhận xét mọi việc theo hai hướng chứ không lắng nghe và đánh giá sự việc một chiều. Nếu sếp thích ngọt và môi trường cạnh tranh gay gắt sẽ là nơi dành cho những người thích thừa nước đục thả câu. Bản thân mình không thích nịnh nọt sếp mà chỉ cố gắng làm việc hết khả năng có thể, nếu sếp nhìn nhận ra khả năng của mình thì mình sẽ làm việc lâu dài. Còn nếu sếp chỉ thích nghe lời ngọt ngào từ người khác và đánh giá không công bằng thì mình chẳng còn hứng thú để làm việc lâu dài nữa.
Ở công ty cũ của mình có một nhóm khoảng 40 người, đến ngày sinh nhật sếp bộ phận, có một anh hỏi sếp thích gì, sau đó gửi email yêu cầu mọi người đóng tiền mua quà cho sếp nhưng lại nói với sếp là tự tay mình mua quà. Sếp đương nhiên rất vui khi nhận được món quà yêu thích của mình nhưng lại không biết được món quà này là từ tình cảm chân thành của tập thể nhân viên. Và đương nhiên không khó khăn gì để sếp dành một sự ưu ái đặc biệt cho anh chàng biết lấy lòng sếp. Mình cảm thấy hơi thiệt thòi và tiếc cho những người có năng lực nhưng tính tình ăn ngay nói thẳng, tuy nhiên quy luật nhân quả luôn tồn tại trong cuộc sống cũng như trong công việc, mình tin là những người giỏi và có tâm sẽ gặt được trái ngọt, còn những người chỉ biết nói suông đến một lúc nào đó cũng sẽ dừng lại và nhường chân cho người khác có năng lực hơn.”
Có thể làm đẹp lòng sếp nhưng đừng quá lố
Lê Minh Châu cho rằng nịnh sếp không xấu, chỉ cần đừng quá lố là được.
Lê Minh Châu -một chuyên viên điều hành công tác tại một công ty nước ngoài nhận định: “Nhìn chung thì chốn công sở nào cũng có những nhân viên thích nịnh sếp và lấy đó làm chỗ dựa để thăng tiến dễ dàng hơn. Theo mình, đôi khi trong những tình huống cần thiết cũng cần phải biết cách giao tiếp với cấp trên, làm đẹp lòng sếp, tuy nhiên đừng quá lố để rồi bị đánh giá là đồ nịnh bợ. Nếu bạn luôn làm tốt công việc của mình, luôn có một thái độ tôn trọng cấp trên và đồng nghiệp thì sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc mình sẽ chịu thiệt thòi vì không biết nịnh sếp.
May mắn, công ty mình nhân viên hầu hết là người trẻ, ngay cả sếp cũng còn "xì-tin" lắm, nên việc hiểu nhau và giao tiếp cũng có phần dễ dàng và cởi mở hơn. Mọi người làm việc cũng là giao lưu học hỏi lẫn nhau vì vậy mà mình không hề có suy nghĩ phải "nói mát" hay lấy lòng sếp. Đây cũng là yếu tố giúp mình cảm thấy môi trường làm việc thật thoải mái và năng động hơn rất nhiều".
Trí Thức Trẻ