Dân gian thường dùng tía tô để chữa ngoại cảm phong hàn (Ảnh minh họa)
Tía tô hay còn gọi là é tía, tử tô. Tía tô chứa 0,3 - 0,5% tinh dầu (theo trọng lượng khô), citral 20%. Thành phần tinh dầu chủ yếu là perillaldehyd, L-perrilla alcohol, limonen, α-pinen, hydrocumin, còn có elsholtziaceton, β-cargophylen, bergamoten và linalool perillaldehyd.
Hạt chứa nước 6,3%, protein 23,12%, dầu béo 45,07%, Nitơ 10,28%, tro 4,64%, acid nicotinic 3,98 mg/100 g.
Thành phần dầu béo của hạt gồm acid béo chưa no 3,5-7,6%, oleic 3,9-13,8%, linoleic 33,6-59,4%, acid linolenic 23,3-49% (một số mẫu dầu còn chứa trên 70% acid linolenic). (nguồn: Đại học Y Dược TP. HCM).
Trong Đông y, hạt của cây tía tô được gọi là tô tử, cành của cây tía tô gọi là tô ngạnh, lá tía tô gọi là tô diệp.
Theo lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, chủ tịch Hội đông y quận Ba Đình, Hà Nội: Tía tô có vị cay, tính ấm, không độc, vào 2 kinh phế và tỳ (lá nách), kỵ với cá chép (không được ăn tía tô với cá chép).
Tía tô có tác dụng tán phong hàn, lý khí – khoan hung, giải uất, hóa đờm, an thai, giải độc cua cá. Riêng tô ngạnh không có tác dụng giải biểu mà chỉ có tác dụng lý khí (hành khí).
Kinh nghiệm dân gian thường dùng tía tô để chữa ngoại cảm phong hàn (nôn, mửa, đau đầu, sốt, đau nhức các khớp xương); chữa động thai và trúng độc cua cá.
Một số bài thuốc từ tía tô:
Xâm tô ẩm: Chữa cảm mạo, nhức đầu, đau nhức khớp xương: tía tô 10g khô, chỉ xác (chế biến từ quả già phơi sấy khô của một số cây họ cam quýt) 10g, nhân sâm 10g, cát cánh 10g, trần bì (vỏ quýt khô để lâu năm) 10g, bán hạ 10g, tiền hồ 10g, can khương (gừng khô) 10g, cam thảo 4g, đem sắc uống ngày 1 thang.
Tử tô ẩm: Chữa chứng tử huyền - động thai: Khi thai được 4, 5 tháng, thai động không yên, ngực sườn đầy tức, chướng.
Nguyên nhân là do can khí nghịch lên. Lấy cành, lá tía tô 8g, đảng sâm 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, đương quy 12g, trần bì 12g, đại phúc bì 8g, sinh khương 8g, cam thảo 4g, sắc ngày uống 1 thang, ngày 3 lần.
Lưu ý: Trường hợp sảy thai, thai hư, những người suy nhược cơ thể, cơ thể yếu, không bị đầy chướng bụng thì không dùng bài thuốc trên (thay bằng bài đương quy thang).
Tía tô chữa ngộ độc kho cá: Lá tía tô 10g, gừng tươi 8g, cam thảo 4g, đổ 600ml nước, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Theo ANTĐ