Cây ích mẫu với cái tên này đã nói lên một vị thuốc có ích (ích) cho người mẹ (mẫu). Bởi vậy trong dân ta có câu: "Nhân trần, ích mẫu đi đâu/Để cho gái đẻ đớn đau thế này". Song nó còn tác dụng trị nhiều bệnh cho chị em.
Ích mẫu còn gọi là ích minh, cây chói đèn, cây sung úy, tên khoa học là Leonurus heterophyllus, họ Lamiaceae, dùng toàn cây và hạt để làm thuốc. Cây mọc hoang, được trồng ở nhiều địa phương nước ta và nhiều nước khác trên thế giới. Dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách "Bản kinh".
Cây ích mẫu mọc hoang và trồng khắp nơi ở nước ta, là loại cỏ sống 1 - 2 năm, cao 0,6m đến 1m. Thân hình vuông, ích phân nhánh, toàn thân có phủ lông nhỏ ngắn. Lá mọc đối, tùy theo lá mọc ở gốc, giữa thân hay đầu cành mà có hình dạng khác nhau.
Lá ở gốc, có cuống dài, phiến lá hình tim, mép có răng cưa thô và sâu, lá ở thân có cuống ngắn hơn, phiến lá thường xẻ sâu thành 3 thùy, trên mỗi thùy lại có răng cưa thưa, lá trên cùng phần lớn không chia thùy và hầu như không cuống.
Hoa mọc vòng ở kẽ lá. Tràng hoa màu hồng hay tím hồng, xẻ thành hai môi gần đều nhau. Quả nhỏ, 3 cạnh, vỏ màu xám nâu.
Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây (Herba Leonuri) thường gọi là Ích mẫu thảo; quả (Fructus Leonuri) thường gọi là sung uý tử. Sau khi trồng được 3 - 4 tháng, khi cây bắt đầu ra hoa thì cắt để lại các chồi gốc để cây tiếp tục phát triển.
Thu hoạch cây vào lúc trời nắng, rửa sạch, dùng tươi, hay phơi trong râm để héo đem nấu cao, hoặc phơi khô để dùng dần. Ngoài cây ích mẫu mô tả trên, cần chú ý phát hiện và phân biệt cây ích mẫu Leonurus sibiricus L. (tạm gọi là cây ích mẫu hoa to) vì cây này khác cây ích mẫu nói trên ở hoa to hơn, dài hơn, lá phía trên vẫn chia 3 thùy.
Sự khác nhau giữa 2 cây là lá trên cùng không chia thùy, tràng hoa dài 9 - 12mm, môi trên, môi dưới gần bằng nhau... Leonurus heterophyllus lá trên cùng xẻ 3 thùy, tràng hoa dài 15 - 20mm, môi dưới ngắn hơn môi trên...).
Đông y cho rằng, ích mẫu có vị đắng, tính mát, tác dụng hoạt huyết khử ứ, sinh tân, điều kinh, lợi thủy, được dùng chữa kinh nguyệt không đều (rối loạn kinh nguyệt), đau bụng kinh, kinh nguyệt ra nhiều, máu ứ tích tụ sau khi sinh đẻ, làm an thai, giảm đau, làm dễ đẻ...
Hạt dùng vào thuốc phụ khoa, làm cho dạ con mau co lại, co tử cung, làm thuốc lợi tiểu. Hạt ích mẫu có vị cay, tính hơi ấm, tác dụng bổ can thận, ích tinh sáng mắt, bổ huyết, hoạt huyết và điều kinh. Mỗi ngày dùng 6 - 12g thân lá hoặc hạt sắc uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc sắc lấy nước rửa chữa bệnh sưng vú, chốc đầu, lở ngứa...
Tuy nhiên nếu dùng ích mẫu quá liều có thể gây sảy thai.
Dưới đây là cách trị bệnh từ ích mẫu
* Kinh nguyệt không đều, thấy kinh trước kỳ (ngắn vòng), kinh ít, đau bụng trước khi thấy kinh: Dùng 20g thân lá sắc uống 10 ngày kể từ ngày thứ 14 sau kỳ kinh.
* Viêm thận cấp và phù thũng: Ích mẫu tươi 180-240g, nấu với 700ml nước và cô lại còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày.
* Chữa sau khi đẻ phù thũng, hoặc có thai đi đứng nhiều, xuống máu chân: Dùng ích mẫu 20g, ngưu tất, rau dừa nước mỗi vị 15g sắc uống.
* Suy nhược toàn thân và cằn cỗi ở phụ nữ: Ích mẫu 30-60g, nấu với trứng gà hay thịt gà,ăn bình thường.
* Thuốc bổ huyết điều kinh: Ích mẫu 80g, nghệ đen (Nga truật) 60g, ngải cứu 40g, hương phụ 40g, hương nhu 30g. Tất cả sao vàng tán bột mịn, luyện với mật, làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 viên.
* Chữa can nhiệt, mắt đỏ sưng đau: Quả ích mẫu, cúc hoa, hạt muỗng, hạt mào gà trắng, sinh địa, mỗi vị 10g, sắc nước uống.
* Hạt ích mẫu (sung uý tử): Chữa phù thũng, thiên đầu thống, thông tiểu.
Cách dùng, liều lượng: Liều dùng 9 - 30g cây (thân lá) hoặc dùng 4,5 - 9g hạt, sắc nước uống. Cũng có thể dùng cây nấu cao. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngải cứu, hương phụ, nghệ đen. Dùng ngoài lấy cây tươi giã đặp trị mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sưng vú và chốc đầu.
Chú ý: Không dùng ích mẫu cho người huyết hư không ứ. Phụ nữ đang mang thai uống quá liều có thể gây tai biến chảy máu nhiều.
Theo Nông Nghiệp