Cây gai còn có tên gọi là trữ ma, tầm ma, tầm gai, cây gai bánh. Với tên khoa học Boehmeria nivea (L) Gaud, (Urtica nivea L), họ Gai (Urticaceae), là loài bản địa của Đông Á. Đây là cây mà dân gian vẫn dùng lá làm bánh gai ăn và sợi để dệt làm lưới đánh cá. Tại Việt Nam, người Kinh lấy lá cây này chủ yếu dùng để làm bánh gai, bánh ít.
Cây thường mọc hoang. Có thể trồng bằng gốc hay giâm cành vào mùa xuân. Loại cây sống lâu năm, có thể cao tới 1,5 - 2m. Lá lớn, mọc so le, hình tim, dài 7 - 15cm, rộng 4 - 8cm, mép có răng cưa, đáy lá hình tim hay hơi tròn, mặt dưới trắng vì có nhiều lông trắng, mặt trên có màu lục sẫm, ráp, có 3 gân từ cuống phát ra.
Lá và rễ cây này đều dùng làm thuốc. Lá bánh gai thu hái vào mùa hè, phơi khô, tán bột để làm bánh. Thân cây có sợi dừng để dệt bao bố.
Đông y cho rằng cây gai có vị ngọt đắng, tính mát, đi vào hai kinh tâm, thận; thường dùng để trị các bệnh đường tiểu như: Bí tiểu, tiểu đục, tiểu ra máu, còn dùng để cầm máu và trị động thai.
Rễ được gọi là trữ ma căn, hái vào bất cứ mùa nào, nhưng tốt nhất là vào thu đông. Hái về rửa sạch đất phơi hay sấy khô. Rễ có vị đắng, tính hơi hàn, quy kinh tâm, thận.
Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ, thông lâm, an thai. Dùng trong các trường hợp đơn độc, sang lở, đái buốt, đái rắt, phụ nữ có thai đau bụng, ra huyết, xích bạch đới, viêm cổ tử cung. Liều dùng 10 - 20g.
Để có thể ứng dụng, dưới đây là một số cách dùng cây gai chữa bệnh.
* An thai: Rễ cây gai mới hái hoặc phơi khô 30g sắc với 600ml nước, cô làm 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Chỉ 1 - 2 ngày là có kết quả, không nên kéo dài.
* Dưỡng huyết an thai: Trữ ma căn tươi 50g, hồng táo 10 quả, gạo nếp 100g; sắc trữ ma căn lấy nước nấu với gạo và hồng táo thành cháo, chế thêm gia vị, chia ra ăn vài lần trong ngày.
* Trị động thai: Rễ gai mới lấy hoặc đã phơi khô 30g, sắc với 600ml nước, còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Uống 1 - 2 ngày sẽ đỡ.
* Trị phụ nữ có thai ra huyết dọa sảy, có thai bị đau bụng: Rễ gai tươi 4 phần, tía tô 1 phần, lá ngải cứu 1 phần (mỗi phần 12g), sắc với nước uống trong ngày.
* Trị có thai bị đau bụng, động thai: Rễ gai 2 phần, cành tía tô 2 phần (mỗi phần 4g), băm nhỏ, phơi khô sắc với 400ml nước, cỡ còn 100ml uống hết 1 lần trong ngày. Nếu có rỉ máu thì cho thêm 10g lá huyết dụ.
* Trị sa tử cung: Rễ gai khô 30g sắc với 600ml nước, uống nhiều lần trong ngày. Uống liền 3 - 4 ngày.
* Cầm máu vết thương: Lá gai tươi rửa sạch, giã nát đắp vào vết thương, băng lại.
* Làm cầm máu: Trong dân gian, khi muốn cầm máu vết thương, người ta rửa sạch lá, giã nát, đắp vào, thấy có tác dụng cầm máu tốt.
Trong y lý của Đông y, máu màu đỏ thuộc hỏa, lá gai khi giã nát có màu đen thuộc hành thủy. Trong ngũ hành, thủy khắc hỏa cho nên lá gai có thể cầm được máu.
Song theo dược lý hiện đại, lá gai có chlorogenic acid, flavonoid rhoifolin, apogenin. Chlorogenic acid thủy phân cho acid cefeitannic và quinic; do đó lá bánh gai có tính cầm máu.
* Làm lợi tiểu: Rễ và lá trung bình 10 - 30g sắc với nước uống.
* Trị tiểu buốt, tiểu rắt, sạn thận: Theo sách Nam dược thần hiệu (Tuệ Tĩnh) kết hợp rễ gai, hoa mã đề và hành; sắc nước uống.
* Trị đại, tiểu tiện ra máu: Lấy 15 - 20g lá gai sắc nước uống trong ngày.
* Trị phong thấp đau nhức các khớp: Rễ cây tầm gai (trữ ma căn), 50g, ngâm với 1 lít rượu trong 1 tuần. Sau đó, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml.
* Trị tay chân tê mỏi: Rễ cây gai 15 - 20g, sắc uống trong ngày.
Chú ý: Không phải bệnh thực nhiệt không dùng. Nếu khi làm bánh gai mà không có lá gai như vậy là bị thiếu chlorogenic chứa trong lá gai nên bánh chỉ để vài ngày là mốc.
Theo Nông Nghiệp