Ngực chảy xệ đáng kể
Ngực xệ là tình trạng ngực có dấu hiệu của sự lão hóa, độ đàn hồi của cơ ngực và mô mỡ bị suy giảm. Bầu ngực lúc này không còn được nâng cao và xuất hiện sự sa trễ của ngực. Dấu hiệu nhận biết bạn có thể nhận thấy tình trạng này là dựa trên đường chân ngực và vị trí của đầu nhũ hoa.
Sau sinh, để đảm bảo đủ lượng sữa cho con bú cũng như giúp các mô tuyến vú phát triển bình thường thì các mẹ bé được khuyên ăn uống đủ chất.
Tuy nhiên, nhiều mẹ bé sau sinh lại ngay lập tức ăn kiêng để lấy lại vóc dáng hoặc không chú ý đến chế độ ăn dẫn đến thiếu chất.
Việc thiếu hụt dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bầu ngực. Điều đó khiến cho ngực lão hóa nhanh hơn và chảy xệ sau sinh.
Tóc rụng nhiều
Trong thời gian mang thai, lượng estrogen tiết ra nhiều hơn, tuổi thọ của tóc được kéo dài, tốc độ rụng giảm. Vì thế, đa số phụ nữ khi ở quý 2 thai kỳ thấy mái tóc mình dày, bóng mướt. Sau khi sinh con, hàm lượng estrogen trong cơ thể chị em bắt đầu giảm, và tóc không chỉ rụng như bình thường mà cả số tóc không rụng trong thời kỳ có thai giờ đây cũng rời da đầu. Vì thế, nhiều chị em thấy tóc rụng rất nhiều sau 3-4 tháng sinh con.
Ngoài ra, trong thời kỳ cho con bú, loại nội tiết làm cho sữa mẹ dồi dào là prolactin - một chất ức chế estrogen - càng khiến tóc rụng nhiều hơn. Cộng với sự mệt mỏi, thiếu ngủ vì chăm con, lo lắng mỗi khi con ốm, căng thẳng trong công việc khi đi làm lại... cũng khiến chị em bị rụng tóc nhiều.
Tâm trạng thay đổi thất thường
Sau khi sinh con, với sự thay đổi của lượng hormone trong cơ thể, hiển nhiên bạn sẽ cảm thấy cảm xúc của mình không được kiểm soát trong một vài tình huống, những chuyện nhỏ nhặt cũng khiến bạn cảm thấy khó chịu và dễ mất bình tĩnh.
Bận rộn, mệt mỏi, là một trong những lý do khiến cảm xúc bộc phát. Đặc biệt đối với những bà mẹ nội trợ thì những điều này càng không thể chịu nổi, cộng với việc nuôi dạy trẻ sơ sinh cũng rất khó khăn. Nhiều mẹ bầu sau sinh thường cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Stress sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của mẹ mà có thể ảnh hưởng đến cả em bé do không được mẹ chăm sóc tốt nhất. Cần phải khắc phục sớm tình trạng này để bảo vệ cả hai mẹ con.
Da lão hóa
Rất nhiều phụ nữ sau khi sinh có hiện tượng da bị xuống cấp nhanh chóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ ngoài của bản thân. Đặc biệt, sau khi sinh, tốc độ lão hóa của cơ thể sẽ nhanh hơn, các biểu hiện như nếp nhăn, da kém sáng… xuất hiện nhiều hơn.
Thêm vào đó, một nguyên nhân dẫn đến làn da lão hóa là do thiếu sự chăm sóc da trong một khoảng thời gian dài. Nhiều bà mẹ có tâm lý e ngại các thành phần trong mỹ phẩm có thể ảnh hưởng đến em bé nên trong suốt quá trình mang thai và sau sinh thường để mặt mộc và bỏ qua việc chăm sóc da mặt. Thêm vào đó, sự thiếu hụt collagen sau khi sinh con cùng với việc phải thường xuyên thức đêm chăm con dẫn đến nhiều biểu hiện của lão hóa như mắt thâm quầng, vùng da quanh mắt, má có nhiều nếp nhăn.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)