Từ tháng 8 đến đầu tháng 9, khi tiết trời se lạnh của mùa thu tràn về, cũng là lúc đến mùa na chín. Đã là người dân Việt, ít ai không biết đến trái na và không yêu thích loại trái cây dân dã, bổ dưỡng này.
Quả na có chứa nhiều vitamin B6, magie, sắt. 100 gram na có thể cung cấp hơn 100 calo và các thành phần dinh dưỡng đa đạng khác. Na cung cấp carbohydrate đơn giản và không chứa chất béo có hại cho cơ thể.
Bổ dưỡng là vậy, nhưng có những người không nên ăn na:
Người béo phì
Người đang bị thừa cân, béo phì, người muốn giảm cân nên hạn chế ăn na. Một quả na 200-250 gram có thể cung cấp mức năng lượng tương đương với 1 bát cơm. Vì vậy, nếu ăn nhiều loại quả ngọt này thì việc tăng cân là không thể tránh khỏi.
Dễ bị mụn nhọt
Với những ai có cơ địa nóng trong, hay bị mụn nhọt, rôm sảy hoặc bị cắp lẹo mắt thì nên hạn chế ăn na. Bởi lẽ nó sẽ làm tăng lượng đường trong máu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm tình trạng mụn nhọt, chốc lở thêm nghiêm trọng.
Bệnh suy thận
Người bị suy thận cũng không nên ăn nhiều na. Đây là thực phẩm giàu kali, không tốt cho người bị bệnh thận.
Bị bệnh tiểu đường
Những mắc bệnh tiểu đường, người có chỉ số đường huyết cao hơn bình thường cần hạn chế sử dụng các loại trái cây nhiều đường như na.
Phụ nữ mang thai có tiền sử tiểu đường cũng không nên ăn na bởi nó có hàm lượng đường cao.
Lưu ý ngay cả khi không thuộc bốn nhóm trên, khi ăn na bạn cũng nên cẩn thận. Tuyệt đối không nuốt hoặc cắn vỡ hạt na. Bởi trong hạt na có độc tố, nếu vô tình nuốt phải thì có thể gây ngộ độc đường tiêu hóa. Ngoài ra, độc tố trong hạt na nếu dính vào mắt sẽ gây bỏng mắt, bỏng biểu mô giác mạc. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời dễ gây viêm loét giác mạc, nặng nhất là mù lòa vĩnh viễn. Trong trường hợp bị dính trên da, đặc biệt là ở phần có vết thương hở sẽ gây lở loét, viêm nhiễm nặng nề và hủy hoại da.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)