Xyanua là gì?
Khi nhắc đến Xyanua, nhiều người sẽ cảm thấy sợ hãi khi đây là loại hóa chất được xếp vào nhóm cực độc nên rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Thế nhưng, loại hóa chất này vẫn được dùng ở mức cho phép trong việc sản xuất giấy, dệt may, nhựa hay dùng để diệt sâu bệnh, sâu bọ.
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Xyanua là một hóa chất cực mạnh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng kể cả ở nhiều dạng hợp chất khác nhau. Xyanua có thể tồn tại ở thể khí không màu như hydro xyanua (HCN), xyanua clorua (CNCl) hoặc dạng tinh thể như kali xyanua (KCN), natri xyanua (NaCN).
Về mùi vị, Xyanua được mô tả là có mùi giống như "hạnh nhân đắng", nhưng đôi khi là không mùi, do đó rất khó có thể phân biệt được Xyanua với các hóa chất khác.
Xyanua còn được tìm thấy trong khói thuốc lá, khói đám cháy hay trong các sản phẩm dệt may, sản xuất giấy, nhựa, thuốc trừ sâu.
Các thực phẩm tự nhiên chứa Xyanua?
Trong tự nhiên Xyanua cũng được tìm thấy ở hơn 2.000 loài thực vật. Trong số này có các loại thực phẩm tự nhiên thường gặp như măng, sắn, hạt của các loại quả hạch như táo, mơ, đào, lê, mận, anh đào… Ở những cây này, xyanua liên kết với các phân tử đường dưới dạng glycoside cyanogen.
Bản thân các glycoside cyanogen tương đối không độc hại, tuy nhiên, chúng được chuyển hóa thành hydro xyanua độc hại trong đường ruột.
Trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn và chỉ nhai một vài hạt của những loại cây này có thể gây ngộ độc xyanua. Nấu kỹ thực vật chứa xyanua trong nước sôi có thể làm giảm mức độ độc tính của chúng một cách hiệu quả.
Ngộ độc xyanua trong thực phẩm xảy ra chủ yếu khi chúng ta ăn sắn không được chế biến đúng cách. Nguyên nhân là trong sắn có chất nhóm xyanua. Khi hấp thụ vào cơ thể nó sinh ra acid xyanhidric (HCN) có độc tính cao gây ngộ độc. Chất độc có nhiều nhất ở vỏ sắn, hai đầu củ sắn và lõi sắn.
Cũng vì thế, theo ông, khi ăn sắn chúng ta thường phải cắt 2 đầu bỏ đi, bóc vỏ, ngâm trong nước sau đó mới mang đi luộc. Đặc tính của xyanua dễ tan trong nước.
Trong củ măng tươi cũng có chứa xyanua. Tuy nhiên, trong thực tế, ngộ độc sắn phổ biến hơn, thậm chí có người tử vong, ngộ độc măng rất ít. Lý do vì khi chế biến chúng ta thường ngâm, luộc măng rất kỹ, bỏ nước đi, muối chua… nên khi ăn hầu như không có ai bị ngộ độc, nếu có thì cũng nhẹ.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, sắn, măng có chất độc là acid xyanhydric. Độc tố acid cyanhydric có cả trong sắn thường dùng và sắn cao sản nhưng trong sắn cao sản độc tố này cao gấp nhiều lần. Khi vào trong máu, độc tố làm cho các mô tế bào bị thiếu oxy, gây suy hô hấp nghiêm trọng.
Hiện nay ngộ độc sắn ít gặp hơn trước đây và tình trạng ngộ độc này thường gặp ở vùng sâu, vùng xa. Người bị ngộ độc do ăn phải sắn rửa và ngâm không kỹ, ăn cả vỏ hoặc luộc sắn còn cả vỏ. Nếu bóc vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc thì chất độc sẽ mất đi.
Dấu hiệu nhiễm độc Xyanua?
Xyanua khi tiếp xúc sẽ hấp thu nhanh vào cơ thể và ức chế nhanh hệ hô hấp, hệ thần kinh, do đó nó có thể gây nguy hiểm tính mạng ngay cả khi chỉ tiêu thụ một liều lượng rất nhỏ.
Mức độ nguy hiểm do ngộ độc Xyanua sẽ phụ thuộc vào lượng Xyanua mà cơ thể tiếp xúc, cũng như lộ trình và thời gian tiếp xúc. Việc hít phải khí Xyanua sẽ nguy hiểm nhất, đồng thời nuốt và uống phải Xyanua cũng sẽ gây ngộ độc.
Khi Xyanua đi vào cơ thể con người, chất độc này sẽ ngăn các tế bào trong cơ thể sử dụng oxy, từ đó các tế bào sẽ chết dần và có hại cho tim, não hơn hết.
Khi bị ngộ độc Xyanua, nạn nhân thường trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên là kích động, thở gấp, lú lẫn và cảm thấy kích động. Tiếp theo, nạn nhân sẽ khó thở, co giật và huyết áp giảm. Cuối cùng, nạn nhân sẽ bị hôn mê sâu, trụy tim, mất phản xạ và có thể dẫn đến tử vong.
Con người có thể nhiễm Xyanua khi tiếp xúc ở lượng nhỏ do hít phải, tiếp xúc qua da hay ăn phải thực phẩm, những dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm Xyanua diễn ra trong vài phút bao gồm đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thở gấp, nhịp tim đập nhanh, cơ thể yếu ớt, bồn chồn.
Nhận biết người nhiễm Xyanua
Ảnh hưởng sức khỏe do tiếp xúc với Xyanua ở mức độ cao có thể bắt đầu sau vài giây đến vài phút. Một số dấu hiệu và triệu chứng của phơi nhiễm bao gồm:
Yếu người, đờ đẫn, bồn chồn.
Đau đầu.
Buồn nôn/cảm giác đau bụng.
Nhịp tim nhanh hay chậm.
Thở nhanh hay chậm.
Thở hổn hển và khó thở.
Mất ý thức, hôn mê.
Co giật.
Tổn thương phổi.
Tim ngừng đập.
Suy hô hấp và dẫn đến tử vong.
Mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe phụ thuộc vào con đường và thời gian tiếp xúc, liều lượng và dạng Xyanua.
Nếu nạn nhân sống sót sau khi bị ngộ độc thì vẫn bị những tổn thương về não, tim và thần kinh.
Cách sơ cứu ngộ độc Xyanua?
Ngộ độc Xyanua được điều trị bằng thuốc giải độc đặc hiệu và chăm sóc y tế hỗ trợ tại bệnh viện hoặc bởi nhân viên cấp cứu đã được đào tạo. Điều quan trọng nhất là nạn nhân phải được điều trị y tế càng sớm càng tốt. Bệnh nhân thường được thở oxy.
Thuốc giải độc cho ngộ độc Xyanua hữu ích nhất nếu được dùng càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc. Hai loại thuốc giải độc (natri nitrit và natri thiosulfate) thường được sử dụng để ngăn chặn tác động của ngộ độc xyanua nghiêm trọng. Các loại thuốc khác có thể cần thiết để kiểm soát các ảnh hưởng bổ sung tới sức khỏe của Xyanua chẳng hạn như co giật.
Những người gặp các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng cần được chăm sóc tích cực tại bệnh viện, đặc biệt là những người đã hôn mê. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể dẫn đến tử vong.
Đồng thời, bạn nên cần cẩn thận sơ chế kỹ trước khi tiêu thụ những thực phẩm tự nhiên được chuyên gia cảnh báo là có chứa Xyanua.
Tường San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)