Ebola là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ebola là bệnh gây ra do virus. Các triệu chứng ban đầu bao gồm hiện tượng sốt đột ngột, cơ thể suy yếu trầm trọng, đau cơ và đau cổ họng. Sau đó, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất huyết trong và ngoài cơ thể.
Vật chủ tự nhiên của virus Ebola có thể là loài dơi ăn quả đặc biệt có khả năng lây truyền cho người. Động vật linh trưởng cũng là một nguồn lây nhiễm bệnh. Sau đó, bệnh sẽ lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh hay do tiếp xúc gián tiếp với môi trường có virus. Thậm chí, đám tang của nạn nhân Ebola cũng có thể là nơi nhiễm bệnh nếu người dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết.
Nhân viên y tế cũng dễ dàng nhiễm bệnh nếu họ làm việc mà không tuân
thủ các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm. Ảnh: AFP
Thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài từ hai ngày đến 3 tuần và việc chẩn đoán rất khó. Cho tới nay, bệnh Ebola chủ yếu chỉ xuất hiện ở châu Phi mặc dù một chủng khác đã xuất hiện ở Philippines. Nhân viên y tế cũng dễ dàng nhiễm bệnh nếu họ làm việc mà không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm. Đến nay, 100 cán bộ y tế đã nhiễm virus Ebola.
Ebola tấn công ở đâu?
Sơ đồ những quốc gia bùng phát dịch bệnh Ebola. Ảnh: WHO
Theo WHO, các trận dịch Ebola bùng phát chủ yếu ở những ngôi làng xa xôi tại Trung và Tây Phi, khu vực gần rừng nhiệt đới. Giới khoa học phát hiện virus Ebola lần đầu vào năm 1976 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Sau đó, nó tấn công các nước xa hơn về phía đông như Uganda và Sudan. Virus này được đặt theo tên của con sông nơi người ta phát hiện nó lần đầu.
Từ Nzerekore, một vùng xa xôi ở phía đông nam Guinea, virus đã lan tới thủ đô Conakry và tới các nước láng giềng Liberia và Sierra Leone.
Một người đàn ông đáp chuyến bay từ Liberia sang Lagos trong tháng 7 đã được chẩn đoán là nhiễm Ebola khi vừa đến sân bay ở thủ đô Nigeria. Người này sau đó đã chết. Đây cũng là trường hợp nhiễm virus nguy hiểm tại Nigeria.
Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) cho hay đợt dịch năm 2014 là “chưa từng thấy” vì nó xuất hiện ở Guinea, quốc gia vốn chưa từng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và sau đó nhanh chóng lan sang khu vực thành thị. Các trường hợp nhiễm bệnh nằm rải rác nhiều nơi trên khắp Guinea cách nhau hàng trăm cây số. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế phải chạy đua với thời gian để xét nghiệm tất cả những người đã tiếp xúc với bệnh nhân.
Chuyên viên y tế cần giám sát chặt chẽ quy trình chôn
cất người nhiễm Ebola. Ảnh: Reuters
Phong tục tập quán khiến virus Ebola phát tán?
Ebola lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Đây là vấn đề mà chính phủ các nước vùng Tây Phi đang đau đầu tìm cách giải quyết, vì theo nghi lễ tôn giáo ở đây, trước khi chôn cất người chết, người sống phải tắm rửa, chạm và hôn thi thể. Những người có địa vị cao trong xã hội sẽ giám sát quá trình mai táng.
Một người qua đời vì Ebola sẽ có lượng virus rất cao trong cơ thể. Chảy máu là triệu chứng thường thấy trước khi bệnh nhân qua đời. Những người xử lý thi thể nếu vô tình tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể sẽ gia tăng rủi ro lây nhiễm.
Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) đang nỗ lực giúp người dân hiểu rằng nghi thức mai táng truyền thống sẽ nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của họ. Tuy nhiên, người dân khó lòng tiếp nhận thông điệp này.
Làm thế nào để phòng tránh Ebola?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên mọi người tránh tiếp xúc với bệnh nhân Ebola và chất dịch cơ thể của họ, đồng thời không nên chạm bất cứ vật gì có thể là nguồn lây nhiễm ở nơi công cộng, chẳng hạn khăn tắm dùng chung.
Những người chăm sóc bệnh nhân phải đeo găng tay và thiết bị bảo vệ như mặt nạ, thường xuyên rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh. WHO cũng cảnh báo người dân không nên ăn thịt thú rừng sống, tránh tiếp xúc những con dơi, chuột, khỉ hoặc vượn nhiễm virus Ebola.
Tháng 3/2014, Bộ trưởng Y tế Liberia khuyến cáo người dân nên kiêng quan hệ tình dục, không bắt tay hoặc hôn nhau. Theo WHO, bệnh nhân nam giới nhiễm Ebola dù đã khỏi bệnh 7 tuần vẫn có thể truyền virus qua tinh dịch.
Thường xuyên rửa tay và giữ vệ sinh là những biện
pháp phòng bệnh tốt nhất. Ảnh: EPA
Phải làm gì nếu nhiễm bệnh?
Người bệnh cần tự cách ly mình để tránh lây nhiễm cho cộng đồng, sau đó tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia. Bệnh nhân có cơ hội sống sót cao nếu điều trị ngay từ sớm. Sau khi nhiễm virus, bệnh nhân thường xuyên mất nước. Do vậy, họ nên uống dung dịch có chất điện giải hoặc đề nghị truyền dịch tĩnh mạch.
Theo MSF, dịch bệnh này xuất phát từ một chủng virus chết người và mạnh mẽ nhất. Đợt dịch bùng phát hiện tại khiến khoảng 50% đến 60% người lây nhiễm qua đời. Các nhà khoa học đang thử nghiệm vắc xin cùng một số loại thuốc điều trị mới, bởi chưa có vắc xin chính thức cho dịch Ebola.
zing.vn