Quỳnh Trâm từng lên tiếng "tố" Baggio ngoại tình với Andrea (An Tây), khiến cô bị trầm cảm, dẫn đến sảy thai. Khi ấy, Baggio đã thừa nhận sai lầm của mình và lên tiếng xin lỗi vì đã làm bà xã tổn thương. Sau tất cả, anh dành thời gian để hàn gắn với vợ. Hiện tại, cặp đôi đã có hai con song sinh kháu khỉnh và đang sống bình yên ở Mỹ.
Nhìn lại mọi chuyện đã qua, Quỳnh Trâm đã chia sẻ những điều cô biết về căn bệnh trầm cảm, cách phòng tránh và thoát ra khỏi nó. Đây chắc chắn là những thông tin hữu ích cho những ai đang mắc căn bệnh này, hoặc biết để phòng tránh nhất là phụ nữ sau sinh.
Cô viết: "Hôm nay mình sẽ chia sẻ về vấn đề này cho những bạn nào cần và đang quan tâm nhen!
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học đặc trưng bởi sự rối loạn khí sắc. Bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên do một yếu tố tâm lý nào nào tạo thành những biến đổi bất thường trong suy nghĩ hành vi tác phong.
Phụ nữ thường gặp bệnh trầm cảm nhiều hơn nam giới (2 nữ/ 1 nam) xảy ra ở nhiều lứa tuổi đặc biệt trong độ tuổi trưởng thành. Tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm ngày một gia tăng, theo tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 850000 chết do hành vi tự sát do bệnh trầm cảm, là một bệnh phổ biến ở trên toàn cầu. Tuy nhiên trong số đó những người được chẩn đoán và điều trị kịp thời còn rất thấp chiếm khoảng 25%.
Trầm cảm là nguyên nhân của hơn 50% trường hợp tự sát, trầm cảm do nguyên nhân khác nhau nhưng gặp tỉ lệ cao ở các đối tượng thất nghiệp, phá sản, ly hôn,...
Biểu hiện của trầm cảm:
- Khí sắc trầm buồn: khí sắc trầm buồn được biểu hiện qua nét mặt của bệnh nhân: buồn bã, rầu rĩ, ủ rũ nét mắt rất đơn điệu, giảm hoặc mất các nếp nhăn. Tình trạng khí sắc giảm rất bền vững do bệnh nhân buồn bã, chán nản, bi quan, mất hết niềm tin trong cuộc sống.
- Mất hứng thú hoặc các sở thích trước đây: cảm giác nặng nề, mệt mỏi không muốn làm việc, đi đứng chậm chạp, luôn luôn cảm thấy mình không có đủ sức khỏe để làm việc dù là việc nhẹ, không quan tâm đến xung quanh kể cả con cái đang vui chơi cũng không để ý quan tâm. Bệnh nhân tự cho rằng họ đã mất hết các sở thích vốn có trước đây kể cả ham muốn tình dục.
- Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ là triệu chứng hay gặp nhất chiếm 95% số trường hợp bệnh nhân trầm cảm. Bệnh nhân cảm thấy trằn trọc khó đi vào giấc ngủ mặc dù đôi khi cảm thấy rất buồn ngủ nhưng lại không thể ngủ, thức dậy sớm hơn bình thường. Bệnh nhân được coi là mất ngủ khi ngủ ít hơn 2 tiếng mỗi ngày so với bình thường. Bệnh nhân có thể thức trắng cả ngày lẫn đêm trong nhiều ngày dẫn đến suy nhược cơ thể.
- Mất cảm giác ngon miệng, gầy sút cân, một số ít có biểu hiện tăng cân: bệnh nhân trầm cảm mất cảm giác ngon miệng, không muốn ăn thậm chí có trường hợp nhịn ăn hoàn toàn dẫn đến gầy sút cân. Một số ít trường hợp có cảm giác thèm ăn, ăn nhiều hơn bình thường dẫn đến tăng cân.
Bà xã Baggio bên cặp song sinh.
- Mệt mỏi, giảm tập trung, giảm sút năng lượng: hay than phiền mệt mỏi mà không có một nguyên nhân nào, giảm khả năng tập trung vì vậy hiệu quả công việc giảm sút. Cảm giác mệt mỏi thường nặng hơn vào buổi sáng. Không còn hứng thú với việc gì. Bệnh nhân mệt mỏi không muốn làm gì đối với những trường hợp nặng còn không thể thực hiện được các công việc hàng ngày như: đi ra chợ, nấu cơm, giặt quần áo
- Cảm giác vô dụng, tội lỗi: luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân, cảm giác tuyệt vọng không có lối thoát, không còn niềm tin vào bản thân và tương lai. Tự cảm thấy có lỗi với người thân, thua kém người khác, trở nên vô dụng.
- Biểu hiện sinh lý: nhức đầu, mỏi vai gáy, hồi hộp trống ngực, đau nhức tay chân.
- Cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, dễ nổi giận với những người xung quanh, có những cơn sợ hãi, ngại giao tiếp, ít quan tâm đến người khác, đòi hỏi cao về những người khác.
- Hình thức bên ngoài: ăn mặc lôi thôi lếch thếch, vệ sinh thân thể kém, cử chỉ chậm chạp hoặc giận dữ vô cớ, giọng nói trầm buồn đơn điệu gợi ý về bệnh trầm cảm.
- Có ý định và hành vi tự sát: hầu hết bệnh nhân trầm cảm đều có ý nghĩ về cái chết nặng hơn là có ý định tự sát. Cảm giác tuyệt vọng không có lối thoát. Họ bị ám ảnh về bệnh tật, chán nản, dễ bị tổn thương dần dần tự nghĩ rằng chết đi cho đỡ đau khổ.
Phòng ngừa trầm cảm ra sao?
- Đối với một số sang chấn tâm lý không thể lường trước được như mất đi người thân, phá sản cần quan tâm, gần gũi, chia sẻ lấy lại niềm tin cho người bệnh
- Tránh các sang chấn tâm lý: gạt bỏ áp lực trong cuộc sống nếu có thể.
- Đối với những người có biểu hiện trầm cảm cần theo dõi giám sát người bệnh vì người bệnh có thể có hành vi tự sát bất kì lúc nào.
- Đưa đến khám bệnh chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán bệnh kịp thời
Biện pháp điều trị trầm cảm là gì?
Nguyên tắc điều trị:
- Cắt các rối loạn cảm xúc
- Chống tái phát
- Không được tự ý dùng thuốc
- Dùng thuốc đúng, đủ theo phác đồ, không tự ý bỏ thuốc
- Thông báo với bác sĩ những tác dụng phụ của thuốc để đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất
Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm, thuốc điều chỉnh khí sắc theo đúng cơ chế bệnh tùy từng trường hợp bệnh cụ thể do bác sĩ chuyên khoa tâm thần kê đơn đem lại hiệu quả rất tốt tỉ lệ khỏi bệnh cao, ít tái phát
- Điều trị bằng liệu pháp tâm lý: chia sẻ, cảm thông, gần gũi người bệnh
- Điều trị khác như vật lý trị liệu: xoa bóp trị liệu, châm cứu,...”
Thực tế Trầm cảm cũng là bệnh nói chung, cho nên chúng ta đừng quá trầm trọng hoá nó lên, hãy nhớ là “có bệnh thì chữa”, quan trọng nhất vẫn là chúng ta hiểu được nó thì sẽ tìm được cách đối phó nó thôi.
- Hy vọng khi các bạn đọc được những dòng này ít nhiều sẽ giúp được các bạn nắm được về trầm cảm là thế nào để kiểm tra với chỉnh bản thân mình hoặc giúp người thân phòng chống lại căn bệnh này".
Trải qua "sóng gió" Quỳnh Trâm và chồng đã hàn gắn. Hiện tại, họ có cuộc sống rất hạnh phúc, bình yên ở trời Tây.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)