Hai nguyên nhân khiến cúm trở nên nguy hiểm
Mới đây, bác sĩ Lưu Vinh Cán (Dr. Rex), bác sĩ gia đình tại Hồng Kông (Trung Quốc), đã phân tích trên kênh YouTube cá nhân về hai nguyên nhân chính khiến cúm có thể dẫn đến tử vong.
Nữ diễn viên Từ Hy Viên nhiễm cúm và qua đời do biến chứng của bệnh
1. Nhiễm trùng phổi gây tràn dịch màng phổi
Theo bác sĩ Rex, một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở bệnh nhân cúm là nhiễm trùng phổi nghiêm trọng, dẫn đến tràn dịch màng phổi. Sau khi nhiễm cúm, virus có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào phổi, gây viêm nhiễm nặng nề. Nếu tình trạng viêm quá mạnh, dịch và máu có thể tràn vào phế nang, làm mất chức năng hô hấp và dẫn đến suy hô hấp cấp tính.
Đáng lo ngại, tình trạng này có thể diễn biến rất nhanh, chỉ trong vài ngày đã gây tử vong. Đặc biệt, nguy cơ này cao hơn ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 65 tuổi.
Ngoài ra, một biến chứng nguy hiểm khác là nhiễm trùng thứ phát. Người bệnh ban đầu có thể chỉ có triệu chứng cúm thông thường như sốt, ho, đau nhức cơ thể, sau đó hồi phục. Tuy nhiên, khoảng 1-2 tuần sau, vi khuẩn có thể tấn công trở lại, gây viêm phổi nặng. Biểu hiện của tình trạng này là sốt cao đột ngột, khó thở, ho ra đờm đặc hoặc có máu. Khi chụp X-quang, phổi có thể xuất hiện tình trạng "toàn bóng mờ" do tràn dịch màng phổi.
Bác sĩ Rex cũng cảnh báo rằng trong nhiều trường hợp, bệnh nhân tử vong do nhiễm tụ cầu vàng kháng thuốc, khiến việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn.
2. Cúm gây ra biến chứng nghiêm trọng
Không chỉ ảnh hưởng đến phổi, virus cúm còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Theo bác sĩ Rex, cúm có thể dẫn đến viêm màng não, hoại tử mô não hoặc hội chứng Guillain-Barré – một bệnh lý thần kinh gây yếu cơ và viêm hệ thần kinh.
Đối với những bệnh nhân có sẵn bệnh nền như tim mạch, cúm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, thậm chí gây ra các cơn đau tim đột ngột dẫn đến tử vong.
Hai cách phòng ngừa cúm hiệu quả
Nhằm giảm nguy cơ mắc cúm và biến chứng nguy hiểm, bác sĩ Rex đưa ra hai khuyến nghị quan trọng:
- Tiêm vắc-xin cúm: Trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh mãn tính nên tiêm phòng sớm để giảm nguy cơ nhiễm bệnh cũng như biến chứng nghiêm trọng.
- Sử dụng thuốc kháng virus sớm: Nếu đã nhiễm cúm, người bệnh cần uống thuốc trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng. Thuốc có tác dụng ngăn chặn virus nhân lên trong cơ thể, giúp hạn chế tình trạng bệnh tiến triển nặng. Nếu dùng thuốc quá muộn, virus có thể đã lan rộng đến phổi hoặc não, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và kém hiệu quả.
Sự ra đi của nữ diễn viên Từ Hy Viên là một lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của cúm nếu không được điều trị kịp thời. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, mỗi người cần chủ động phòng tránh bằng cách tiêm vắc-xin và theo dõi sát sao các triệu chứng để có biện pháp can thiệp sớm.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)