Chén nước mắm trứng, đĩa dưa cải, đĩa đậu cô ve và đĩa bầu luộc - Ảnh: H.T.Tấn
Hằng năm, cứ vào mùa mưa hoặc mùa đông ở Huế người ta thường quan tâm đến các loại thức ăn mỗi ngày sao cho phù hợp khẩu vị, giá cả, sự khan hiếm của một số thức ăn, đồng thời không quên giá trị dinh dưỡng của bữa ăn.
Chính vì vậy các bà mẹ trong gia đình nghĩ đến việc kho nấu các loại cá bống, cá tràu (cá lóc) kho tộ ăn rất hợp với mùa đông giá lạnh và gia đình đông con.
Bên cạnh đó các bà mẹ cũng không quên mua một số rau củ quả như đậu cô ve vừa có chất xanh vùa có sinh tố, hoặc dưa cải có men lợi cho đường ruột, trái bầu xắt luộc xanh tươi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả các loại củ quả này cần có một chén nước mắm trộn với trứng luộc để chấm mới ngon miệng và tương đối đầy đủ chất dinh dưỡng.
Như vậy ngoài cá, thịt, rau và các loại thực phẩm khác còn có trứng gà, trứng vịt, trứng chim cút... Đây là một trong những thức ăn cần thiết cho con người, nhất là trẻ em. Vậy chúng ta thử tìm hiểu đặc tính của một số loại trứng.
Trứng vịt: về mặt cảm quan, trứng vịt bổ hơn trứng gà vì vịt thường được thả rông hay lùa đi ăn ngoài đồng nên có nhiều chất bổ dưỡng hơn trứng gà công nghiệp. Tuy nhiên trứng gà sạch sẽ hơn và ít tanh hơn trứng vịt (gà đẻ trong chuồng khô sạch, vịt đẻ dưới đất dơ). Vịt thuộc nhóm chân màng như vịt xiêm, ngỗng, le le, thiên nga nên mỡ của nó chứa nhiều acid béo omega-3 có lợi cho tim mạch hơn mỡ gà.
Trứng chim cút bổ nhất vì khối lượng lòng đỏ là 50%, trong khi trứng gà, trứng vịt chỉ có 35-40% là lòng đỏ.
Trứng càng tươi càng tốt: Trứng mới đẻ thì khi đập vỡ nhẹ ta tách lòng đỏ khỏi lòng trắng dễ dàng, và dây treo lòng đỏ ở hai đầu trứng rất xoắn. Khi để lâu, có sự thoát khí carbonic ra ngoài khiến lòng trắng trở nên kiềm (trứng mới pH = 7,4), có thể lên pH = 9, khiến lòng trắng bị nhão mềm hơn. Do đó ở Mỹ người ta dùng tiêu chuẩn này để đánh giá độ tươi của trứng.
Ở Pháp, trứng đã ấp sau 7-10 ngày thì loại ra và chỉ được dùng làm thức ăn gia súc!
- Trứng lộn: bổ hơn vì đã biến thành phôi dễ tiêu hóa hấp thụ, nhưng đôi khi dễ gây dị ứng đối với trẻ em dưới 6 tuổi.
- Trứng muối: ăn được nhưng không bổ dưỡng mấy vì protein đã biến chất, sinh tố bị hủy gần hết và mặn nên không dùng được nhiều.
- Trứng vữa, trứng ung: không nên dùng vì protein đã bị biến chất, hơi có độc vì lưu huỳnh trong trứng đã biến thành sulfur hidrogen, tức mùi trứng thối. Tuy vậy dân nhậu lại thích trứng ung, trứng vữa hợp với khẩu vị.
- Trứng bách thảo cũng biến chất, sinh tố giảm nhiều, dùng để ăn chơi lấy hương vị....
Theo định lượng cholesterol trong thực phẩm, trứng không giàu cholesterol lắm. Tuy cholesterol chỉ tập trung ở lòng đỏ trứng nhưng đây là "cholesterol tốt".
Theo thống kê hằng năm (World Almanac), trung bình mỗi người Mỹ tiêu thụ 300 trứng/năm, người Pháp 280 trứng/năm. Nếu muốn có đủ lecithin (*) thì mỗi ngày phải ăn ba trứng mới đủ cho nhu cầu cơ thể. Nhưng vì ngũ cốc, nhất là đậu mè cũng có lecithin nên mỗi ngày ta ăn một trứng là vừa.
alobacsi.vn