Thiếu máu là tình trạng bệnh lý với triệu chứng máu bị giảm về số lượng hồng cầu hoặc huyết cầu tố (còn gọi là hemoglobin) hoặc giảm cả hai. Bình thường, lượng huyết cầu tố trong cơ thể khoảng từ 13-18g/100ml ở nam và 12-16g/100ml ở nữ và trẻ em. Thiếu máu xảy ra khi huyết cầu tố bình thường dưới 13g/100ml ở nam giới và nhỏ hơn 12g/100ml ở nữ giới. Số lượng hồng cầu trong 1ml giảm dưới 3.500.000. Muốn biết có thiếu máu hay không cần làm xét nghiệm máu. Kỹ thuật này ở các bệnh viện có khoa xét nghiệm đều làm được.
Bệnh thiếu máu do nguyên nhân gì?
Bệnh thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân và tùy theo mức độ mà có các biểu hiện rõ ràng hoặc âm thầm, nếu không để ý sẽ không biết. Nếu phát hiện thấy các triệu chứng có da và niêm mạc xanh nhớt, sắc mặt không hồng hào, lật mi mắt lên thấy niêm mạc nhợt nhạt, cơ thể hay mệt mỏi, khó thở, hay nhức đầu, chóng mặt, ù tai, đom đóm mắt... là có thể người bệnh đã bị rối loạn cân bằng giữa hai quá trình sinh sản và hủy hoại hồng cầu trong cơ thể dẫn đến bệnh thiếu máu.
Nguyên nhân hay gặp nhất: Thiếu máu do cơ thể bị thiếu những yếu tố cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu như sắt, vitamin B12, acid folic, một số acid amin...; Thiếu máu do tiêu huyết vì quá trình hủy hoại hồng cầu bị tăng quá mức trong một số trường hợp như bệnh ở hồng cầu, ngộ độc, nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng, đặc biệt là bệnh sốt rét và bệnh giun móc; Thiếu máu do quá trình tạo hồng cầu ở tủy xương bị giảm sút hoặc mất hẳn do một số bệnh lý hoặc do độc tính của thuốc, nhất là khi dùng chlorocid không đúng quy định (bị suy tủy); Các tình trạng thiếu máu do mất máu cấp hoặc mạn tính, do các bệnh gây xuất huyết như chảy máu dạ dày, bệnh trĩ, đi ngoài ra máu...
Số lượng hồng cầu trong máu giảm sẽ dẫn đến thiếu máu.
Thuốc thường dùng
Thuốc cho bệnh thiếu máu nói trên có nhiều loại, có thể dùng riêng rẽ từng thứ hoặc loại thuốc phối hợp. Chủ yếu trong các thuốc chống thiếu máu thường dùng các hoạt chất sau:
Sắt (Fe): có thể ở dạng muối sắt sulfat hoặc sắt oxalat. Đây là yếu tố cần thiết và rất quan trọng để tổng hợp hemoglobin. Trong cơ thể người lớn bình thường có 4-5g sắt và 2/3 lượng này được thấy trong các hồng cầu. Hiện nay, người ta hay dùng dạng sắt oxalat vì nó ít gây táo bón hơn sắt sulfat. Không dùng thuốc có hoạt chất này cho người bị bệnh lý ở dạ dày và ruột như loét dạ dày, viêm ruột hoặc viêm loét ruột kết. Khi cho bệnh nhân uống thuốc có chứa sắt cần cảnh báo cho họ các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, táo bón, phân màu đen... để họ biết và không lo lắng. Cần nhắc bệnh nhân không uống kết hợp với một số kháng sinh như tetracyclin vì sắt tạo phức hợp khó hấp thu qua đường ruột do đó làm mất tác dụng của kháng sinh.
Acid folic là chất thuộc vitamin nhóm B có nhiều trong men bia, một số loại nấm lành, gan, thận, rau xanh như bắp cải, cà chua... Acid folic tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa, nhất là sự tổng hợp purin và pyrimidin. Acid này cũng giúp cho quá trình phục hồi tạo ra nguyên hồng cầu khổng lồ về mức bình thường và có tác dụng giống như cyanocobalamin. Acid folic rất cần cho phụ nữ có thai và sau khi đẻ, những người bị thiếu máu do hồng cầu bị phá hủy ở các tĩnh mạch như bệnh sốt rét.
Vitamin B12 hay còn gọi là hydroxo cobalamin có tác dụng tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin này gây ra chứng thiếu máu hồng cầu to (thiếu máu ác tính) và một số rối loạn về thần kinh. Vitamin B12 thường dùng dưới dạng thuốc tiêm để điều trị các chứng thiếu máu ác tính, thiếu máu do cắt bỏ dạ dày, thiếu máu do bệnh giun móc. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc này nếu chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu, bệnh ung thư và bệnh trứng cá.
Hiện nay, các dạng thuốc chống thiếu máu có khá nhiều trên thị trường và một số thuốc là dạng viên phối hợp các hoạt chất trên. Thuốc thường được cấp miễn phí cho các đối tượng như trẻ em, phụ nữ có thai, người bị suy dinh dưỡng... Cần sử dụng thuốc đúng cách. Các thuốc chống thiếu máu cần được sử dụng có thời hạn nhất định theo lời khuyên của thầy thuốc và sau mỗi đợt điều trị cần làm xét nghiệm kiểm tra lại công thức máu để cân nhắc xem liều dùng và thời gian điều trị tiếp theo.
Đây không phải là thuốc bổ mà dùng tràn lan. Trong quá trình điều trị cần xem xét kỹ và điều trị dứt điểm các bệnh đi kèm bằng thuốc đặc trị thích hợp. Ví dụ như dùng thuốc sốt rét để tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét, dùng thuốc trị giun để tiêu diệt giun móc. Có như thế thì mới giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu. Điều quan trọng nữa là phải hướng dẫn người bệnh ăn uống đảm bảo đủ chất bằng thực đơn thích hợp có nhiều chất bổ, vitamin và chất sắt. Không nên nghĩ rằng chỉ cần dùng thuốc chống thiếu máu thì bệnh sẽ lui và người bệnh sẽ không bị thiếu máu nữa.
Theo Sức khỏe & Đời sống