Có những thực phẩm khi đã mọc mầm sẽ mất đi chất dinh dưỡng, sinh ra độc tố. Tuy nhiên, cũng có những thực phẩm lại tăng giá trị dinh dưỡng, điển hình như 3 loại dưới đây:
Đậu nành, đậu xanh mọc mầm
Giá trị dinh dưỡng của đậu nành và đậu xanh tăng lên khi chúng mọc mầm. Cứ 100g đậu chưa nảy mầm chứa 0,35g axit amin tự do, tăng lên 0,5g sau 1 ngày và đạt 1,5g vào ngày thứ 5.
Mầm đậu nành.
Mầm đậu tăng lượng protein thực vật và giảm một số chất khó hấp thụ. Vitamin C và E cũng gia tăng đáng kể, đặc biệt vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng. Mầm đậu nành còn chứa isoflavon tốt cho nội tiết tố nữ và riboflavin chống lão hóa, viêm lợi. Tuy nhiên, cần cẩn thận với mầm đậu không rễ vì tiềm ẩn chất hóa học độc hại.
Tỏi mọc mầm
Nhiều người hiểu lầm rằng tỏi mọc mầm không ăn được hoặc có độc. Nhưng sự thật thì ngược lại. Tỏi mọc mầm có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp đôi so với tỏi thường và không có độc tố, đặc biệt là khi nấu chín.
Tỏi mọc mầm.
Mầm tỏi chứa chất chống oxy hóa cao, có tác dụng chống ung thư và lão hóa tốt hơn. Ngoài ra, mầm tỏi còn chứa chất xơ, vitamin A, C và carotene, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Mầm tỏi cũng có tác dụng kháng viêm và khử trùng, tương đương củ tỏi tươi. Chỉ cần tỏi không bị đổi màu hoặc mốc là có thể ăn được.
Gạo lứt mọc mầm
Gạo lứt vốn là thực phẩm tốt cho sức khỏe nếu ăn điều độ. Đặc biệt gạo lứt khi mọc mầm kích hoạt enzyme như amylase, protease và oxidoreductase, giúp tăng cường dinh dưỡng và năng lượng. Các chất dinh dưỡng trong gạo lứt trở nên dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn sau khi nảy mầm.
Gạo lứt mọc mầm.
Mầm gạo lứt còn chứa vitamin A, B, E, niacin và axit pantothenic, cùng với khoáng chất như canxi, magie được cơ thể hấp thụ tốt hơn nhờ phytase phân hủy axit phytic. Mầm gạo lứt là nguồn dinh dưỡng phong phú và dễ hấp thụ.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)