Ngồi một chỗ quá lâu
Các nhà khoa học thuộc Đại học Indiana (Mỹ) cho biết 5 phút đi lại trong văn phòng hoặc ở hành lang văn phòng có thể giúp cải thiện sức khỏe về lâu dài. Ngược lại, ngồi nhiều mà không thỉnh thoảng đứng dậy đi lại có thể ảnh hưởng động mạch ở chân, xung động thần kinh trong não cũng như gây tổn hại cho dòng máu lưu thông.
Trưởng nhóm nghiên cứu Saurabh Thosar khẳng định các tổn hại cho động mạch ở chân có thể xuất hiện sau khi ngồi suốt 1 giờ đồng hồ và dẫn đến bệnh tim mạch, theo Daily Mail. Ông lưu ý các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi tới đi lui khi nói chuyện điện thoại có thể giúp giảm hoặc thậm chí chấm dứt những tổn hại trên.
Còn theo nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ) được công bố trên chuyên san American Journal of Epidemiology, đổi 30 phút ngồi bằng 30 phút hoạt động nhẹ như đi tới đi lui giúp giảm 17% nguy cơ tử vong sớm. Con số này là 35% nếu hoạt động với cường độ vừa phải hoặc mạnh như chạy bộ, bơi lội... Một số nghiên cứu khác cho thấy thể dục nhẹ nhàng giảm cảm giác mệt mỏi 65% và tăng mức năng lượng lên 20%.
Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
Ngủ thất thường là một trong những thói quen gây hại cho tim mạch, người trẻ biết nhưng rất khó bỏ. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, ngủ thất thường luôn liên quan mật thiết đến béo phì, cao huyết áp, tiểu đường và bệnh động mạch vành.
Khuyến cáo thời lượng ngủ đối với người trưởng thành từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm. Để có một giấc ngủ ngon, các bác sĩ khuyên không nên để các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại bên cạnh. Không uống chất kích thích hoặc ăn quá no trước khi ngủ. Tập thể dục là một cách thư giãn để có giấc ngủ sâu.
Hay tức giận
Là con người, chúng ta không thể tránh khỏi những lúc tức giận vì những chuyện ngoài ý muốn. Tuy nhiên, nếu bạn là người thường xuyên mất kiểm soát cảm xúc, thường nổi nóng vô cớ thì hãy cẩn trọng trước những tác hại tiềm ẩn. Cơn tức giận có thể là "ngòi nổ" của nhiều vấn đề bệnh tim trong tương lai.
Theo đó, trong vòng 2 giờ sau khi bạn tức giận, nguy cơ xuất hiện của một cơn đau tim sẽ tăng gấp hai lần. Hầu như lượng huyết dịch của tim sẽ chuyển hết lên não và mặt, khiến tim không thể vận hành đúng cách và thiếu oxy trầm trọng. Lâu ngày tim cũng mất dần đi khả năng co bóp và gián tiếp dẫn đến bệnh mạch vành hoặc bệnh cơ tim.
Lười ăn trái cây và rau củ
Có lẽ cứ nhắc đến chuyện ăn trái cây và rau củ thì nhiều người tỏ ra khó chịu. Tuy nhiên, một chế độ ăn thiếu lành mạnh sẽ là nguyên nhân khiến sức khỏe tổng thể suy giảm. Lâu dài sẽ làm cơ thể bị thiếu hụt nhiều dưỡng chất quan trọng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan tim mạch.
Bên cạnh đó, thói quen lười ăn rau củ còn tăng nguy cơ mắc những bệnh về đường tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón và bệnh trĩ. Vậy nên bạn hãy bổ sung nhiều rau xanh vào mâm cơm hàng ngày, vừa cung cấp chất xơ lại còn tăng cường chất chống oxy hóa giúp đẩy lùi quá trình lão hóa sớm.
Thích ăn mặn
Thói quen ăn mặn đã được Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo từ lâu, nhưng hầu như ai cũng phạm phải hàng ngày.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều muối lâu dài dễ bị huyết áp cao, các thực phẩm được chế biến quá mặn trước tiên sẽ gây ra lượng muối dư thừa trong máu, dẫn đến huyết áp cao.
Tuy nhiên, huyết áp sẽ giảm sau khi bạn thay đổi thói quen duy trì việc giảm lượng muối ăn vào. Huyết áp cao cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, chẳng hạn như bệnh tim mạch và đột quỵ.
Do đó, bạn cần biết rằng, chế độ ăn nhiều muối trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, và thậm chí dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ.
Hoàng Khuông (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)