Bác sĩ khuyên nếu bị thiếu máu do thiếu sắt, người bệnh cần phải thay đổi chế độ ăn uống như tăng cường thực phẩm giàu chất sắt và thực phẩm giàu vitamin C, axit folic để giúp cơ thể hấp thu chất sắt tốt hơn.
Nhiều người nghĩ rằng "ăn gì bổ nấy" nên ăn tiết canh để giảm tình trạng thiếu máu, liệu điều này có đúng hay không?
Chuyên gia cho biết tiết canh có chứa nhiều sắt. Sắt là thành phần rất quan trọng để tạo máu. Vì vậy, tiết canh có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu máu trong trường hợp thiếu máu do thiếu sắt.
Tuy nhiên, thiếu máu có rất nhiều nguyên nhân. Thiếu sắt chỉ là một trong những số đó, việc bổ sung sắt cần theo chỉ định của bác sĩ.
Một số trường hợp thiếu máu nhưng lại thừa sắt (ví dụ điển hình là thiếu máu do bệnh tan máu bẩm sinh - thalassemia), uống thuốc sắt hoặc ăn thực phẩm chứa nhiều sắt sẽ làm tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn. Do đó, không phải ai ăn tiết canh cũng tốt.
Bác sĩ cũng lưu ý vấn đề quan trọng mà nhiều người thường bỏ qua, tiết chưa được nấu chín luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng. Mọi người nên cân nhắc trước khi ăn, đặc biệt với những bệnh nhân được bác sĩ khuyến cáo ăn chín, uống sôi.
Lưu ý khi ăn tiết lợn:
Các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người không nên ăn quá nhiều tiết lợn cùng lúc. Cơ thể con người khó có thể hấp thụ nhiều sắt trong khoảng thời gian ngắn.
Thậm chí, nếu lượng sắt quá nhiều có thể dẫn tới ngộ độc. Nếu bị tình trạng này, bạn có thể nôn mửa, đau dạ dày và bị các phản ứng có hại cho sức khỏe.
Các chuyên gia khuyên, bạn chỉ nên ăn tiết lợn một lần một tuần hoặc 2-3 lần trong một tháng. Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm tới việc bổ sung nhiều chất dinh dưỡng khác cho cơ thể.
Các trường hợp bị chảy máu đường ruột tốt nhất không nên ăn. Danh sách đối tượng cần tránh xa món ăn này còn có người có mỡ máu cao, huyết áp không ổn định, cholesterol cao.
Khi mua và chế biến các món ăn từ tiết lợn, người nội trợ cũng cần chú ý. Thực phẩm phải tươi mới, được lấy trong ngày là tốt nhất, không mua khi tiết có màu sắc, mùi khác lạ.
Chỉ cần có dấu hiệu ôi thiu, tiết lợn có thể gây ra tiêu chảy, nôn mửa và các rối loạn đường tiêu hóa khác.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo không ăn tiết canh bởi nguy cơ mắc các bệnh trong đó có nhiễm liên cầu khuẩn lợn rất cao.
Trong trường hợp lợn bị bệnh chết, kể cả nấu chín, bạn cũng không được ăn tiết lợn.
Nếu sau khi ăn tiết, có hiện tượng tiêu chảy, sốt cao, xuất huyết dưới da, bệnh nhân cần tới ngay bệnh viện để điều trị.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)