Những ngày nghỉ Tết Nguyên Đánviệc chúc tụng và bị mời uống bia rượu là không thể tránh khỏi. Và nhiều người cũng rất ngại từ chối người khác vào dịp đầu năm mới.
Thế nhưng, đã có không ít trường hợp đáng tiếc phải nhập viện vì ngộ độc rượu. Nguyên nhân chính là do người dùng uống phải rượu Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần.
Nếu không thể tránh được rượu bia, cần chú ý vài điểm sau để không bị say rượu:
- Ăn trước khi uống rượu bia. Tránh để bụng rỗng khi uống rượu bia, vì khi đói khả năng hấp thu rượu của đường ruột sẽ nhanh hơn, làm người uống dễ say.
- Trước nửa giờ khi đi uống rượu, bạn có thể uống một bình sữa nhỏ (sữa tươi nguyên chất là tốt nhất) vừa bảo vệ niêm mạc dạ dày ngăn ngừa tình trạng viêm dạ dày do rượu vừa có tác dụng thúc đẩy quá trình phân hủy ethanol.
- Không nên uống rượu quá nhanh, quá nhiều cùng lúc, sẽ làm tăng áp lực cho gan, khiến gan không kịp chuyển hóa rượu.
Dấu hiệu bị ngộ độc rượu:
Khi bị ngộ độc rượu, trong khoảng 12 - 24 giờ sau khi uống, người uống thường cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng. Tình trạng nặng hơn sẽ dẫn đến các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, thậm chí là hôn mê sâu.
Người uống rượu bị cảm giác no giả, nên trong quá trình uống rượu mà không ăn dẫn đến bị hạ đường huyết. Có trường hợp uống liên tục vài ngày, uống quá nhiều tới khi nguy kịch mới vào viện thì để lại di chứng rất nặng nề, đặc biệt là di chứng não.
Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy. Đặc biệt, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Cách phòng tránh
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, cách tốt nhất để tránh nguy cơ ngộ độc rượu là không uống rượu, đặc biệt là các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, trong trường hợp gia đình có người uống rượu cần nhắc họ ăn thêm tinh bột hoặc uống thêm nước trái cây, uống sữa, nước canh, nước cháo loãng... để bù năng lượng cho cơ thể.
Hiện trên thị trường có các loại thuốc giải rượu nhưng đa số không có tác dụng trong việc chống say, giải rượu như quảng cáo. Vì vậy người dân không lạm dụng rượu bia, nhất là trong thời điểm cận Tết.
Chuyên gia lưu ý, những người uống rượu cần được theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc như: Nói khó khăn, không thể tự đi lại, lơ mơ, thở khò khè, chậm chạp, lờ đờ, ngồi một chỗ, co giật, nôn nhiều lần, đau đầu để đưa đến cơ sở y tế cấp cứu, điều trị kịp thời.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)