Các bậc phụ huynh, có phải đôi khi bạn bắt gặp bé nhà mình khéo léo móc mũi, ăn gỉ mũi, khiến da đầu tê rần, lòng đầy hoang mang: "Vì sao con lại có sở thích kỳ lạ này? Gỉ mũi có ngon không? Tại sao mãi không bỏ được thói quen xấu này?".
Đừng vội hoảng hốt! Hôm nay, hãy cùng nhìn nhận vấn đề dưới góc độ khoa học và tìm ra cách ứng phó phù hợp.
Bé nhà bạn thường xuyên ăn gỉ mũi khiến bạn lo lắng? Vậy phải xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)
Vì sao trẻ thích ăn gỉ mũi?
Trước tiên, cần hiểu động cơ hành vi của trẻ. Với trẻ nhỏ, một trong những cách khám phá thế giới là thông qua xúc giác và vị giác. Việc cho tay vào mũi, móc ra gỉ và nếm thử với trẻ là trải nghiệm mới lạ, tương tự như việc nhiều đứa trẻ từng thử ăn đất, ăn giấy - tất cả chỉ vì tò mò.
Xét về mặt sinh lý, gỉ mũi là hỗn hợp của dịch tiết từ mũi cùng bụi bẩn, vi khuẩn. Người lớn ý thức rõ đó là điều không vệ sinh, nhưng trẻ nhỏ thì chưa hoàn toàn hiểu được khái niệm "sạch" và "bẩn", hoặc đơn giản là bắt chước hành động của người lớn (dù người lớn chỉ làm động tác lau chùi mũi chứ không ăn).
Ngoài ra, nếu gỉ mũi khô cứng, gây khó chịu, trẻ có thể vô thức tìm cách "giải quyết" bằng cách ăn chúng, như một kiểu tự xoa dịu không đúng cách. Tất nhiên, nguyên nhân cụ thể còn tùy từng trường hợp.
(Ảnh minh họa)
Ăn gỉ mũi gây hại thế nào?
Dù phần lớn hành vi này xuất phát từ sự tò mò, song việc ăn gỉ mũi lâu dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe trẻ.
Gỉ mũi có thể chứa vi khuẩn, virus, dù niêm mạc mũi có cơ chế tự làm sạch, việc liên tục móc mũi và ăn gỉ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, viêm mũi...
Ngoài ra, vi khuẩn từ mũi vào miệng sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu và các bệnh lý răng miệng khác.
Quan trọng hơn, nếu phụ huynh phản ứng quá tiêu cực, trẻ có thể hình thành cảm giác tội lỗi, tự ti, ảnh hưởng tới tâm lý lâu dài.
(Ảnh minh họa)
Khoa học ứng phó: Bắt đầu từ trái tim
Điều đầu tiên, cha mẹ cần hiểu: hành vi này thường chỉ vì tò mò hoặc tự an ủi bản thân, không nên la mắng hay trách phạt gay gắt. Tiếp nhận hành vi của trẻ là bước đầu tiên để hướng dẫn con sửa đổi.
Khi phát hiện trẻ ăn gỉ mũi, hãy bình tĩnh giải thích nhẹ nhàng: "Gỉ mũi không phải thức ăn đâu con. Ăn vào sẽ làm vi khuẩn vào người, không tốt cho sức khỏe. Mình cùng nhau chơi trò chơi khác vui hơn nhé!".
Hãy hướng dẫn trẻ cách vệ sinh mũi đúng cách, như dùng khăn giấy mềm lau nhẹ bên ngoài hoặc sử dụng dung dịch nước muối sinh lý để làm sạch.
Khi trẻ có dấu hiệu móc mũi, cha mẹ nên nhanh chóng chuyển hướng sự chú ý, cho bé chơi đồ chơi, đọc sách hoặc tham gia hoạt động thú vị khác.
Việc xây dựng thói quen vệ sinh cá nhân từ nhỏ như rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không nhổ bậy, không vứt rác bừa bãi rất quan trọng, không chỉ phòng bệnh mà còn rèn luyện khả năng tự chăm sóc bản thân.
(Ảnh minh họa)
Nếu hành vi ăn gỉ mũi kéo dài và khó kiểm soát, phụ huynh cần quan tâm đến tình trạng tâm lý của trẻ. Đôi khi, đây có thể là dấu hiệu của căng thẳng hoặc lo âu. Hãy dành thời gian trò chuyện, đồng hành cùng con, và nếu cần thiết, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn kịp thời.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)