Theo khảo sát, khoảng 50% - 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từng trải qua các mức độ đau bụng kinh khác nhau. Một nghiên cứu tại Canada cho thấy 60% bệnh nhân đau bụng kinh gặp tình trạng đau từ trung bình đến nặng, trong đó gần một nửa cho biết đau bụng kinh ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, và 17% từng phải nghỉ học hoặc nghỉ làm vì quá đau.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự khác biệt lớn như vậy? Những người không bị đau bụng kinh liệu có thực sự khỏe mạnh hơn? Đây là vấn đề khiến rất nhiều phụ nữ trăn trở và hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn.
Vì sao có người đau "lăn lộn", người lại bình thản khi tới kỳ kinh nguyệt?
Trước tiên, cần hiểu rằng đau bụng kinh là một trải nghiệm rất cá nhân hóa, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phổ biến nhất là:
1. Cường độ co bóp tử cung khác nhau
Trong kỳ kinh nguyệt, tử cung sẽ co bóp để đẩy lớp niêm mạc bong tróc ra ngoài. Chất trung gian chủ yếu gây ra co bóp tử cung là prostaglandin. Nếu lượng chất này trong cơ thể cao, tử cung co bóp mạnh, gây đau dữ dội. Ngược lại, nếu prostaglandin thấp, tử cung co nhẹ, cảm giác đau gần như không đáng kể.
Ngoài ra, nghiên cứu mới còn cho thấy, những người bị đau bụng kinh nặng không chỉ đau ở vùng bụng, mà có thể đau lan sang hông, lưng, thậm chí cả tay, do hệ thần kinh trung ương phản ứng quá mức với cơn đau.
Mỗi tháng đến kỳ kinh, có người chỉ thấy hơi khó chịu, nhưng cũng có người đau đến mức không thể rời giường. Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt lớn như vậy giữa phụ nữ với nhau? (Ảnh minh họa)
2. Cấu trúc tử cung khác biệt
Một số trường hợp đau bụng kinh có thể bắt nguồn từ dị dạng bẩm sinh như tử cung dị dạng, cổ tử cung hẹp, khiến máu kinh khó thoát ra ngoài, dẫn đến đau dữ dội. Ngoài ra, các bệnh lý phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, u tuyến tử cung cũng có thể khiến cơn đau nghiêm trọng hơn, kéo dài, kèm theo hiện tượng rong kinh, rối loạn kinh nguyệt hoặc hiếm muộn.
3. Ngưỡng chịu đau khác nhau
Không phải ai cũng cảm nhận đau giống nhau. Cùng một mức co bóp tử cung, người này thấy nhói nhẹ, người khác lại thấy như bị dao cắt. Điều này liên quan đến di truyền, tâm lý và môi trường sống. Những người dễ lo âu, căng thẳng, nhạy cảm thường có phản ứng mạnh hơn với cơn đau.
Không đau bụng kinh có phải là dấu hiệu khỏe mạnh?
Trong đa số trường hợp, không đau bụng kinh là một tín hiệu tốt, cho thấy tử cung hoạt động ổn định, máu kinh thoát ra suôn sẻ, cơ chế co bóp điều hòa và nhẹ nhàng. Điều này còn liên quan tới lối sống lành mạnh như: nội tiết cân bằng, ăn uống điều độ, vận động thường xuyên, tinh thần thư giãn, không hút thuốc lá…
Nghiên cứu cho thấy, những người sinh con sớm, sinh nhiều con, hoặc dùng thuốc tránh thai nội tiết lâu dài cũng có tỷ lệ đau bụng kinh thấp hơn. Đặc biệt, đau bụng kinh còn mang yếu tố di truyền, nếu mẹ hoặc chị gái không đau bụng kinh, bạn cũng có khả năng "kế thừa" may mắn này.
Tuy nhiên, đột nhiên hết đau bụng kinh không phải lúc nào cũng tốt. Nếu trước đây đau đều đặn mỗi tháng, nhưng gần đây không còn đau kèm theo kinh nguyệt ít hơn, chu kỳ rối loạn, có thể là dấu hiệu suy giảm chức năng buồng trứng hoặc bệnh lý sinh sản. Trường hợp này cần khám bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân.
Đau bụng kinh thường xuyên thì phải làm sao?
Dù đau bụng kinh là hiện tượng phổ biến, nhưng không nên cam chịu. Nếu mỗi kỳ kinh đều đau đến mức không thể học tập, làm việc bình thường, thì đây không còn là chuyện nhỏ mà cần được xem xét nghiêm túc.
Thông thường, đau bụng kinh được chia làm 4 cấp độ:
Cấp 0: Không đau hoặc đau rất nhẹ, không cần xử lý gì.
Cấp 1 (nhẹ): Đau nhẹ, có thể cải thiện bằng cách nghỉ ngơi, chườm ấm, uống nước ấm, không cần thuốc.
Cấp 2 (trung bình): Đau rõ rệt, ảnh hưởng sinh hoạt, nên dùng thuốc giảm đau.
Cấp 3 (nặng): Dù đã dùng thuốc giảm đau vẫn không bớt đau, kèm các triệu chứng bất thường như kinh nguyệt nhiều, rối loạn chu kỳ, đau khi quan hệ… cần đi khám phụ khoa ngay để kiểm tra nội soi, xét nghiệm hormone, loại trừ các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung…
Cơ thể phụ nữ vô cùng tinh tế. Mỗi người có một trải nghiệm sinh lý khác nhau, không đau bụng kinh là điều đáng mừng, cho thấy tử cung hoạt động tốt, thói quen sống lành mạnh.
Nhưng nếu bạn thường xuyên đau bụng kinh, đừng tự trách hay nghĩ mình yếu đuối. Hãy nhớ: "Người khác không đau, không có nghĩa là bạn phải chịu đựng". Chăm sóc bản thân, chủ động thăm khám khi cần, điều chỉnh lối sống chính là cách giúp bạn lắng nghe và yêu thương cơ thể đúng cách.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)