Tại sao ốm không nên ăn bún?
Khi bị ốm, bạn không nên ăn bún hoặc các món được chế biến từ bún vì cơ thể lúc này đang mệt, tiêu hóa không tốt như ngày bình thường. Việc ăn bún trong tình trạng đó có thể gây khó chịu, khiến bạn mệt mỏi hơn. Đó là lý do tại sao ốm không nên ăn bún.
Người bị ốm không nên ăn bún.
Ngoài ra, trong quá trình làm bún, nhà sản xuất có thể thêm các phụ gia không an toàn như bột huỳnh quang để làm bóng, chất tẩy để làm trắng, hàn the tạo độ dai và bảo quản lâu… Đây là những chất không nằm trong danh mục các loại hóa chất, phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong bảo quản và chế biến thực phẩm.
Khi bị ốm, bạn nên dùng những món ăn nhẹ như cháo đỗ xanh, cháo thịt, hoặc súp để giảm gánh nặng cho đường tiêu hoá, đồng thời cung cấp năng lượng nhanh chóng cho cơ thể phục hồi.
Những người không nên ăn bún
Phụ nữ đang mang thai
Bún không phải là thực phẩm độc hại nhưng để để tạo độ giòn, dai, không bết dính cho bún, người làm bún thường cho thêm hàn the trong quá trình sản xuất. Do đó, ăn bún có hàn the tích lũy trong cơ thể gây ra ngộ độc tiêu hóa như nôn mửa, đau bụng tiêu chảy...
Hàn the cực kì nguy hiểm với thai nhi. Bởi hầu hết đều là loại hàn the công nghiệp, lẫn rất nhiều tạp chất độc hại có thể phá vỡ quá trình phát triển của em bé.
Người bị dạ dày, đại tràng
Bún không thích hợp với những người có vấn đề ở đường tiêu hóa, bởi nó được làm từ bột gạo, ngâm với nước trước khi chế biến khoảng một ngày. Trong thời gian này, bột sẽ lên men, dễ gây đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Do vậy, những người bị viêm dạ dày hoặc hội chứng dạ dày - tá tràng nên hạn chế ăn bún.
Trẻ nhỏ
Bún, mì là món ăn nhanh, dễ chế biến nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, người sản xuất bún thường cho hóa chất trong quá trình chế biến. Nếu trẻ nhỏ thường xuyên ăn bún sẽ ảnh hưởng tới đường tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ. Vì vậy, tốt nhất không nên cho trẻ ăn bún quá sớm, hoặc hạn chế món này với trẻ.
Mẹo chọn bún tươi ngon, không hàn the
Kiểm tra sợi bún
Một trong những cách chọn bún là nên nhìn vào sợi bún, với bún không chứa hàn the, chất tẩy trắng thì sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào sẽ có cảm giác nhuyễn, dính tay bởi chúng được làm từ gạo nguyên chất. Khi bún có chứa chất hàn the, sợi bún dai hơn, khó đứt gãy, chạm vào không có cảm giác nhuyễn, dính của gạo tự nhiên.
Nhìn vào màu bún
Nếu muốn chọn bún ngon, cần phải chọn được loại bún làm từ gạo nguyên chất. Trước tiên, bún ngon là bún có sợi màu trắng đục hoặc tối màu hơn. Thêm vào đó, cũng không nên chọn loại bún chứa hàn the hay chất tẩy trắng, loại này sẽ có màu trắng trong, sáng và sợi bún có độ bóng mẩy nhìn bắt mắt không nên lựa chọn.
Thử ngửi mùi của bún
Khi đi chợ muốn chọn bún ngon, bún không chứa hàn the có mùi hơi chua dịu, không quá nặng mùi sẽ ngon hơn; trong bún có mùi chua hoàn toàn tự nhiên của gạo ngâm trong quy trình chế biến bún. Thêm vào đó, khi ăn bún thì sẽ có mùi vị của bột gạo tự nhiên mùi thơm.
Nếm vị của bún
Sợi bún khi không chứa hàn the khi ăn sẽ có mùi thơm của gạo, bún dẻo dai và khá ngon miệng. Nhưng với những loại bún chứa hóa chất, người ăn sẽ thấy chua chua hơn bình thường, để 2-3 ngày bún vẫn không thiu bởi liều lượng hàn the quá nhiều so với quy định.
Khi ăn nhiều loại bún này, người tiêu dùng có thể bị rối loạn thiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)