Không ít người trẻ khó có con
Mới đây, vợ chồng chị N.K.A (tại Đông Anh, Hà Nội) đã có mặt tại Bệnh viện Bưu điện từ rất sớm để tham gia chương trình miễn phí khám, tư vấn vô sinh - hiếm muộn.
Chị A cho biết cách đây 7 năm, 2 vợ chồng anh chị lấy nhau và đã có một bé gái. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vợ chồng chị “thả” nhưng không có con.
“Không hiểu vì lý do gì mà mãi hai vợ chồng không có cháu thứ 2. Lúc đầu, mình không nghĩ ngợi gì vì có một con rồi. Nhưng 4-5 năm vợ chồng “thả” mà không có nên bắt đầu cũng cảm thấy báo động. Tuy nhiên, công việc chưa thể thu xếp được nên hai vợ chồng chưa thể đi khám. Lần này được người quen giới thiệu có chương trình khám và tư vấn miễn phí nên hai vợ chồng xin nghỉ việc để đi khám”, chị A nói.
Chị A tâm sự khi đi khám mới biết rất nhiều người trẻ có hoàn cảnh hiếm muộn như mình. Gia đình chị may mắn đã có một cháu, có những gia đình 10 năm chưa có con đầu lòng.
Một trường hợp vợ chồng trẻ khác là chị V.T.X (tại Bắc Ninh) đã chạy chữa vô sinh hiếm muộn gần 5 năm nay nhưng chưa có kết quả. Chị X cho biết chị đã đi ít nhất 3 bệnh viện trong Nam ngoài Bắc, chuyển phôi nhiều lần nhưng đều thất bại. Dù buồn tủi cho số phận khó có con cái nhưng vợ chồng chị X không bỏ cuộc. Chị mong lần đi khám này, bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân để con yêu sớm đến với anh chị.
Ngày nay, không ít bạn trẻ gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản (Ảnh minh họa).
Tại sao sức khỏe sinh sản lại thua các cụ ngày xưa?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Vương Vũ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, cho hay số lượng bệnh nhân khám hiếm muộn gia tăng, trong đó có nhiều bạn trẻ. Điều này xảy ra là do 3 lý do.
Thứ nhất: Bệnh nhân tới bệnh viện khám gia tăng là do kiến thức sinh sản nhiều hơn. Trước đây, các trường hợp khám vô sinh hiếm muộn thường 35-40 tuổi. Gần đây, số lượng bệnh nhân trẻ tuổi đi khám tăng, thậm chí có những bạn trẻ chuẩn bị kết hôn cũng đi khám.
Thứ hai: Mặt bệnh vô sinh hiếm muộn đa dạng hơn. Khoa học kỹ thuật phát triển, nhóm bệnh nhân điều trị vô sinh hiếm muộn được mở rộng.
(Ảnh minh họa).
Ngoài ra, còn có thể kể đến một số lý do khách quan khiến người trẻ bị suy giảm khả năng sinh sản so với các cụ ngày xưa như:
Lối sống và thói quen sinh hoạt: Thức khuya, căng thẳng, ăn uống thiếu dinh dưỡng, sử dụng rượu bia, thuốc lá.
Ô nhiễm môi trường: Tiếp xúc với hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí, thực phẩm chứa chất bảo quản.
Các vấn đề sức khỏe: Rối loạn nội tiết, bệnh lý liên quan đến sinh sản như buồng trứng đa nang (PCOS), tinh trùng yếu, viêm nhiễm đường sinh dục.
Kết hôn và sinh con muộn: Xu hướng lập gia đình trễ làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên.
Ánh Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)