Cùng tìm hiểu xem cơ thể phụ nữ trải qua những thay đổi gì trong quá trình sinh nở và thực sự cần bao nhiêu thời gian để tự phục hồi.
Bụng
Chất béo dưới da ở bụng bảo vệ em bé khỏi các yếu tố bên ngoài sẽ tăng đáng kể trong thai kỳ. Những thay đổi về nội tiết tốt và thực đơn dinh dưỡng không hợp lý trong thai kỳ cũng sẽ khiến mỡ bụng ngày một nhiều hơn. Đó là lý do tại sao sau khi sinh, các mẹ bầu thường bị mỡ bụng nhiều và da bụng bị rạn.
Các cơ bụng sau khi sinh chỉ giảm sau 6-8 tuần, và phải mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau khi mổ lấy thai. Nếu sức khỏe không có vấn đề, người mẹ có thể bắt đầu tập thể dục từ 1-2 tháng sau khi sinh. Nếu một người phụ nữ không cố gắng tập thể dục hoặc có các liệu pháp massage phù hợp, sẽ mất 1-2 năm để cơ bụng phục hồi.
Ngực
Trong thời gian cho con bú, ngực nở ra nên các cơ và dây chằng lúc này sẽ không thể nâng đỡ và hỗ trợ tốt như trước vì trọng lượng và kích thước của bầu sữa đều tăng lên 2 đến 3 lần. Đó là lý do vì sao nhiều chị em sẽ bị chảy xệ ngực, núm vú rộng hơn và tối màu hơn. Các mạch máu cũng sẽ trở nên rõ ràng vì da sẽ mỏng hơn.
Người phụ nữ càng có nhiều sữa, ngực càng trở nên nặng hơn và cần được chăm sóc thích hợp. Không phải lúc nào cũng có thể quay lại hình dạng ngực ban đầu nhưng nếu một người phụ nữ tập luyện chăm chỉ có thể giúp bảo vệ vẻ đẹp của bầu vú và độ đàn hồi của da.
Hệ thống cơ xương
Trong thời gian mang thai, hệ thống cơ xương của một người phụ nữ nặng hơn và cơ thể sản xuất hóc môn relaxin, chịu trách nhiệm cho tính đàn hồi của các dây chằng và cơ đốt sống. Điều này dẫn đến những thay đổi ở cột sống, các khớp của chi dưới, xương chậu và các cơ lưng, khiến cơ thể người mẹ cảm thấy đau nhức và thường xuyên thấy mỏi, khó chịu.
Sau khi sinh, lượng progesterone và estrogen giảm mạnh làm chậm quá trình trao đổi chất là các mô mỡ lại tăng lên. Thời gian phục hồi của hệ thống cơ xương sau khi sinh con mất 3-4 tháng. Vì vậy, hãy tập các bài tập đặc biệt để tăng cơ bắp lưng và đối phó với các cơn đau buốt ở vùng thắt lưng.
Tử cung
Trọng lượng của tử cung của một người phụ nữ chưa sinh con là 40g đến 60g, trong khi một người phụ nữ đã sinh con có tử cung nặng đến 900g. Sau khi sinh, tử cung tự lành sau 9 - 10 ngày. Nếu tử cung co thắt bình thường thì trọng lượng của nó sẽ giảm sau 10 ngày. Khoảng 1,5-2 tháng sau khi sinh, tử cung sẽ tự phục hồi và sẽ trở lại cân nặng thông thường, từ 50g đến 80g.
Cổ tử cung
Ngay sau khi sinh, nó vẫn mở khoảng 4-5cm, sau khi sinh 10 ngày, cổ tử cung đóng lại hoàn toàn. Sau khi sinh, cổ tử cung thay đổi hình dạng, nó trở thành hình trụ thay vì hình nón. Tất nhiên, những thay đổi này không xảy ra nếu một người phụ nữ mổ lấy thai. 3 tháng sau khi sinh, cổ tử cung bắt đầu hoạt động như bình thường.
Kinh nguyệt
Kinh nguyệt của một phụ nữ sau khi sinh con bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Thông thường phụ nữ không cho con bú sữa mẹ, trải qua chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên khoảng 6-8 tuần sau khi sinh con. Chu kỳ kinh nguyệt của một phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ có thể trở lại ngay trong thời gian cho con bú.
Âm đạo
Nhiều phụ nữ lo lắng rằng kích thước của âm đạo sẽ lớn hơn sau khi sinh và rằng nó sẽ có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống tình dục. Tuy nhiên sự thay đổi đó chỉ mang tính chất tạm thời. Thời gian phục hồi âm đạo sau khi sinh từ 6 đến 8 tuần. Quá trình này phụ thuộc vào thể trạng cũng như cơ địa từng người.
Tâm lý và cảm xúc
Trong giai đoạn hậu sản, các bà mẹ trẻ thường lo lắng, mệt mỏi và những thay đổi tâm trạng lớn. Một số phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.
Tình trạng này đòi hỏi sự giúp đỡ của các chuyên gia hoặc ít nhất là một cuộc tư vấn với một nhà tâm lý trị liệu, giúp người mẹ vượt qua vấn đề của mình. Nói chung, một người phụ nữ sau sinh cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình và một kế hoạch dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)