Làm thế nào để ngăn ngừa say nắng?
Hạn chế ra ngoài vào những ngày nắng gắt
Người già, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt là người mắc bệnh tim mạch, mạch máu não nên hạn chế tối đa ra ngoài vào mùa hè trong những ngày nắng gắt, nhiệt độ cao. Khi phải ra ngoài, hãy cố gắng chọn buổi sáng sớm và chiều tối, khi đó nhiệt độ đã giảm và ở mức không nguy hiểm.
Nếu bạn bắt buộc ra ngoài vào buổi trưa, bạn có thể chọn điểm đến có không khí mát mẻ như trung tâm mua sắm, siêu thị, khu vui chơi…
Che nắng
Khi đi ra ngoài trong thời tiết nắng nóng hãy sử dụng ô che nắng, đội mũ và đeo kính râm, thoa kem chống nắng và hạn chế tối đa thời gian ở ngoài trời dưới ánh nắng trực tiếp.
Bổ sung nước kịp thời
Khi ra ngoài vào mùa hè, hãy mang theo nước uống thể thao chuyên dụng hoặc nước muối nhạt để bổ sung kịp thời. Bạn cũng có thể uống các loại thức uống giải nhiệt để phòng chống say nắng như nước chanh, nước cam, nươc sắn dây…
Chú ý ăn uống lành mạnh và hợp vệ sinh
Chế độ ăn mùa hè nên thanh đạm, dễ tiêu, nhiều vitamin, nhiều đạm, ít béo, lưu ý không ăn quá dầu mỡ. Thường xuyên ăn nhiều rau tươi và trái cây, không uống quá nhiều rượu bia dễ say xỉn.
Khám sức khỏe định kỳ
Những người mắc bệnh mãn tính, những người đang trong thời kỳ phục hồi sau khi mắc bệnh hiểm nghèo và những người ốm yếu nên nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe. Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời ở nhiệt độ cao.
Làm gì khi bị sốc nhiệt?
Khi bạn hoặc người khác bị say nắng trước tiên hãy gọi cấp cứu, trong khi chờ xe cấp cứu thì thực hiện sơ cứu tại chỗ trong khả năng của bạn.
Ngừng các hoạt động, nhanh chóng rời khỏi môi trường có nhiệt độ cao và độ ẩm cao, chuyển bệnh nhân đến nơi thoáng mát và thoáng khí, đồng thời cởi bỏ bớt quần áo toàn thân của bệnh nhân càng sớm càng tốt. Nếu có điều kiện có thể chuyển bệnh nhân sang phòng điều hòa, nên điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức 16 đến 20 độ C, để bệnh nhân nằm, kê cao chi dưới từ 15 đến 30 cm.
Dùng nước lạnh hoặc cồn pha loãng lau người bệnh và tiếp tục quạt để hạ nhiệt. Cũng có thể dùng khăn thấm nước lạnh hoặc túi nước đá hoặc đá viên chườm lên đầu, cổ, nách hoặc bẹn của bệnh nhân và các động mạch, mạch máu lớn khác để giúp bệnh nhân hạ nhiệt.
Bù nước nhanh chóng, nếu bệnh nhân say nắng tỉnh táo và không buồn nôn hoặc nôn, có thể cho uống nước muối nhạt hoặc nước uống thể thao chuyên dụng để bù nước, hạ nhiệt.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)