Na là loại quả cực kì phổ biến ở Việt Nam. Nó không chỉ có hương vị thơm ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao được nhiều lứa tuổi yêu thích mà còn có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe như: Ngăn ngừa ung thư nhờ hợp chất acetogenin, cải thiện tiêu hóa với thành phần đồng và chất xơ dồi dào, tốt cho da, răng, mắt nhờ hàm lượng vitamin A, C cao, giàu vitamin B6 giúp ngăn ngừa tái phát hen suyễn, giảm cholesterol, giảm nguy cơ bị viêm khớp, gout, tràn dịch ổ khớp…
Dù vừa ngon vừa bổ nhưng trong quả na vẫn tồn tại một bộ phận có độc, đó là hạt na. Không hiếm những trường hợp (thường là trẻ em) vì nuốt hạt na là bị bít đường thở phải cấp cứu. Tuy nhiên đó chỉ là tác hại về vật lý còn thành phần hóa học bên trong hạt na mới khiến tất cả chúng ta phải dè chừng. Được biết bên trong hạt na có chứa các thành phần như acetogenin: squamosten A, anoslin, neo -desacetyluvaricin, neo - anonin - B, neo - reliculatacin A, các squamocin, các squamostatin... Nếu chúng ta cắn vỡ hạt na khi ăn thì những chất này sẽ làm cơ thể bị ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí nếu chẳng may vương vào phần da bị thương hở có thể gây viêm loét nặng nề, vương vào mắt còn làm bỏng mắt, bỏng biểu mô giác mạc, chữa trị không đúng dễ gây viêm loét giác mạc, dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Chúng ta không nên quá lo lắng vì hạt na có phần vỏ cứng cực kì chắc chắn nên không dễ để độc tố lan ra ngoài làm hại cơ thể. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải chú ý ăn nhẹ nhàng, không tác động quá mạnh khiến cho lớp màng cứng này bị vỡ ra. Một số bài thuốc dân gian như trị chấy bằng hạt na cũng cần có sự hướng dẫn của người có chuyên môn, không nên tự ý thực hiện.
Ngoài ra, chuyên gia khuyến cáo không nên ăn quá nhiều na để tránh bị nóng trong, tăng cân. Người bị tiểu đường nên tránh xa loại quả này vì nó chứa hàm lượng đường tương đối cao. Đặc biệt, chúng ta chỉ nên ăn những quả na đã chín kỹ vì na chưa chín hẳn sẽ có chất Tannin không tốt cho hệ tiêu hóa. Khi lựa na cũng phải lựa những quả lành lặn, đẹp mã vì những quả nứt, dập thường bị ký sinh trùng hoặc giòi xâm nhập.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)