Thành thật mà nói, phụ nữ từ lâu đã dần hình thành thói quen sử dụng giấy vệ sinh khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, phụ nữ sau khi đi vệ sinh có nên lau bằng giấy vệ sinh không? Lau bằng giấy vệ sinh có ảnh hưởng xấu đến cơ thể không? Về vấn đề này, có thể nhiều chị em chưa bao giờ quan tâm đến.
Giấy vệ sinh thực sự không vệ sinh
Thứ nhất, nếu bạn dùng phải giấy vệ sinh kém chất lượng, nguy cơ mắc bệnh phụ khoa là cực kỳ cao. Lý do là bởi giấy vệ sinh tái chế, kém chất lượng lại chứa lượng lớn vi khuẩn. Theo các bác sĩ, nếu sử dụng thường xuyên là bạn đã tạo điều kiện cho nấm khuẩn xâm nhập vào âm đạo, từ đó gây viêm nhiễm. Bởi âm đạo có khả năng tự làm sạch, hạn chế sự sinh sản của vi khuẩn, bảo vệ âm đạo nhờ vi khuẩn lactobacillus - loại nấm chiếm ưu thế. Theo nghiên cứu, chất chuyển hóa của lactobacilus có thể khiến cho môi trường acid của âm đạo duy trì ở mức hợp lý, giúp khống chế sự sinh trưởng của các loại nấm khuẩn khác. Đây cũng chính là cơ cấu tự làm sạch của âm đạo. Khi sử dụng giấy vệ sinh kém chất lượng lẫn nhiều vi khuẩn, âm đạo khó tự làm sạch hơn, từ đó dẫn tới viêm nhiễm âm đạo.
(Ảnh minh họa)
Thứ hai, loại bỏ tình huống giấy vệ sinh kém chất lượng đi thì nếu bạn dùng giấy vệ sinh sau khi đi tiểu, bạn cũng có khả năng mắc bệnh phụ khoa. Lý do là bởi tay bạn chắc chắn tồn tại vi khuẩn và khi cầm giấy để lau, vi khuẩn vẫn có thể lây lan đến "cô bé". Hơn nữa, giấy vệ sinh ở lâu trong nhà vệ sinh có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao. Do đó tác dụng vệ sinh cũng chẳng còn. Ngoài ra, dùng giấy vệ sinh quá nhiều cũng có thể dẫn đến kích ứng da.
Thứ ba, dùng giấy vệ sinh không đúng cách cũng có thể tăng khả năng nhiễm bệnh phụ khoa. Nhiều người có thói quen lau từ sau hậu môn ra trước, đó là việc làm vô tình đưa vi khuẩn, chất bẩn từ hậu môn đến âm đạo, từ đó gây viêm nhiễm.
Cách vệ sinh đúng cách
(Ảnh minh họa)
Theo khuyến cáo của bác sĩ, chị em hãy chọn các loại giấy vệ sinh cao cấp hoặc giấy ăn để vệ sinh vùng kín sau mỗi lần đi vệ sinh.
Giấy phải bảo quản sạch sẽ, nơi khô ráo, thoáng mát, còn nguyên bao bì, có địa chỉ nơi sản xuất, ngày sản xuất rõ ràng. Dùng đến đâu mới bóc túi ra đến đó, không được để giấy bên ngoài quá lâu.
Không để giấy lẫn trong túi xách. Giấy vệ sinh để trong túi sẽ bị cọ sát với các đồ vật như tiền mặt, chìa khóa, điện thoại... Đây là nơi chứa một ổ vi khuẩn.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)