Thời tiết nóng bức vào mùa hè sẽ khiến cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi. Mồ hôi cùng với bụi bẩn dễ gây ứ đọng, tắc lỗ chân lông, xuất hiện những đốm mụn nhỏ, đỏ, khiến bé ngứa ngáy, khó chịu. Đó chính là rôm sảy (hay còn gọi là ban nhiệt). Rôm sảy thường gặp ở những vùng da nhiều mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ, vai. Trẻ bị ban nhiệt thường bứt rứt, có khi kém ăn, khó ngủ. Vậy chúng ta cần làm gì để phòng trị cho trẻ?
Điều trị
Điều trị rôm sảy hữu hiệu nhất là làm giảm tiết mồ hôi bằng phương pháp điều hòa nhiệt độ: máy lạnh, quạt thông khí, mặc áo quần thoáng mát và hạn chế vận động. Khi da bị làm mát lạnh, rôm sảy sẽ biến mất nhanh chóng.
Tắm
Khi bạn thấy nghi ngờ trẻ bị rôm sảy, hãy cho bé tắm trong nước ấm để làm hạ nhiệt độ cơ thể. Chỉ cần tránh sử dụng nước lạnh vì nước lạnh có thể gây sốc cho bé vì sự chênh lệch nhiệt độ. Sau khi tắm, để da bé tự khô trong không khí thay vì dùng khăn lau đi.
Kiểm tra nhiệt độ phòng
Bạn nên giữ nhiệt độ phòng từ 20-22,2° C. Nếu cần thiết, bạn hãy bật điều hòa hoặc dùng quạt để làm mát phòng.
Mặc quần áo thoải mái
Các mẹ nên chọn cho trẻ loại quần áo bằng vải cotton mềm, thoáng, rộng, thấm mồ hôi. Quần áo của bé phải được giặt sạch và được phơi ở nơi không có bụi, khói.
Thoa gel lô hội
Nghiên cứu cho thấy lô hội có tính khám viêm, dịu mát chỉ cần rửa sạch, bóc lá lô hội làm đôi lấy phần thịt rồi xoa lên vùng da bị rôm sảy của bé sẽ nhanh chóng làm mát những vết ban đỏ và làm chúng lặn đi nhanh chóng mà không cần phải dùng thuốc nào khác. Ban đầu gel sẽ hơi dính, nhưng sẽ sớm khô. Ngoài lô hội, các mẹ cũng có thể dùng mướp đắng, dưa chuột.. để trị rôm sảy.
Tránh sử dụng các loại kem hay thuốc mỡ
Một số bác sĩ cho rằng các loại kem hay thuộc mỡ trị rôm sảy có thể làm khô da, làm phát ban nặng hơn. Calamine không nên được sử dụng trên trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi. Các mẹ cũng nên tránh sử dụng các loại kem hoặc thuốc mỡ có chứa dầu khoáng hoặc dầu khí (như vaseline).
Trong trường hợp rôm sảy quá nặng, hãy đến gặp bác sĩ để xử lý kịp thời.
Phòng ngừa
Để ngừa rôm sảy, mẹ nên để bé ở nơi thoáng mát, chọn cho con loại quần áo mỏng, thấm mồ hôi. Chỗ ngủ của trẻ phải luôn mát mẻ và thông khí tốt.
Không cho trẻ ăn các loại đồ ăn cay nóng, nhiều đường, đồ nếp, hạn chế uống các loại nước ép gây nóng như: nước ép vải, xoài, nhãn... Ngoài ra, cho trẻ uống đủ nước hoặc bổ sung Vitamin C cho trẻ để bù nước và chất điện giải. Vào các ngày nắng nóng, bạn có thể lau mình cho con nhiều lần để làn da luôn sạch.
Huyền Nguyễn (Theo Giadinhvietnam.com)