Với khán giả Việt, Hori Chiemi được nhớ đến với câu nói “Chiaki, cố lên!” trong bộ phim “Chuyện nữ tiếp viên hàng không”. Từng có một thời đây là câu nói quen thuộc đối với rất nhiều bạn trẻ Việt Nam trong cuộc sống mỗi khi muốn động viên chính mình và mọi người.
Hori Chiemi được khán giả Việt nhớ đến với câu nói “Chiaki, cố lên!”
Hori cho biết bà bắt đầu xuất hiện những vết loét ở trên lưỡi vào khoảng mùa hè năm ngoái. Dù đã áp dụng nhiều phương pháp điều trị nhưng chúng vẫn không lành. Tới đầu năm nay, bà bắt đầu cảm thấy khó khăn khi nói, khi ăn, về buổi đêm, khi ngủ, bà thường bị thức dậy vì đau đớn.
Ngày 4/2, Hori đã quyết định đi khám và tiến hành làm sinh thiết trên lưỡi, kết quả cho thấy bà mắc bệnh ung thư miệng giai đoạn 4 (ung thư biểu mô tế bào vảy) và nó đã lan đến các hạch bạch huyết ở cổ, tình trạng của bà hiện tại đã bắt đầu trở nên nặng nề, phức tạp trong điều trị.
Hiện tại Hori đã 52 tuổi và mắc căn bệnh ung thư miệng.
Ngày 19/2, Hori đã nhập viện và ngày 22/2 bà đã tiến hành phẫu thuật. Để bảo vệ tính mạng, bác sĩ yêu cầu Hori phải cắt bỏ 60% lưỡi. Các bác sĩ sẽ sử dụng cơ bắp đùi để thay thế phần lưỡi bị mất. Ca phẫu thuật của nữ diễn viên “Chiaki” kéo dài 11 tiếng.
Trước khi phẫu thuật, Hori đã chia sẻ trên blog cá nhân rằng cô sẽ chiến đấu với bệnh tật và sớm quay trở lại để tiếp tục hát cho người hâm mộ. “Tôi sẽ cố gắng hết sức vì điều đó và sẽ cống hiến hết mình cho việc điều trị.”, Hori viết.
Hori Chiemi lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu vào năm 1982 khi mới 14 tuổi và mau chóng trở thành thần tượng của rất nhiều người vào năm 1984. Bà đã phát hành 5 album âm nhạc đình đám.
Bà từng là một ca sĩ thần tượng trong lòng giới trẻ.
Năm 1987, khi mới 20 tuổi và sự nghiệp ca hát vẫn đang trên đà đỉnh cao, bà đã từ bỏ và tập trung vào làm việc trong lĩnh vực truyền hình với tư cách là người dẫn chương trình và tham gia đóng đóng vai chính trong nhiều bộ phim truyền hình ăn khách.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng
Ung thư miệng là ung thư phát triển trong mô của vùng miệng. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ phần nào trong miệng như môi, lưỡi, má, lợi, sàn miệng, vòm miệng cứng hay mềm, xoang và họng, nhưng thường xảy ra ở miệng, lưỡi và môi.
Các nhà nghiên cứu không chắc chắn được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư miệng. Nhưng họ tin rằng bệnh ung thư xảy ra sau khi có thiệt hại hoặc đột biến trong mã di truyền kiểm soát sự phát triển và chết của tế bào. Ngoài ra có những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư miệng:
- Thói quen hút thuốc lá: Việc hút thuốc lá là một trong những nguy cơ phổ biến nhất của ung thư miệng và nó cũng gây ra nhiều tác hại khác tới sức khỏe.
- Uống nhiều rượu: Những người nghiện rượu nặng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư miệng. Đối với những người sử dụng thuốc lá cùng với rượu, nguy hiểm còn cao hơn nhiều.
- Siêu vi papilon ở người (HPV): Ung thư có liên quan đến HPV thường được tìm thấy ở cổ họng, lưỡi và trong amidan.
- Phơi nắng: Khi vùng môi của bạn tiếp xúc quá nhiều ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng. Bạn có thể sử dụng son dưỡng môi hoặc kem có chứa SPF để giảm nguy cơ mắc phải.
Một số yếu tố nguy cơ khác có thể bao gồm người có độ tuổi trên 45, phơi nhiễm phóng xạ và mắc các loại ung thư khác vùng đầu và cổ.
Dấu hiệu bệnh ung thư miệng
Triệu chứng thường gặp của ung thư miệng khá giống với những bệnh ở miệng khác nên nhiều người dễ xem nhẹ. Vì vậy, nếu gặp phải những dấu hiệu dưới đây trong thời gian dài, bạn nên tới bệnh viện kiểm tra.
- Khó khăn khi nhai, nuốt;
- Xuất hiện các đốm đỏ hoặc trắng trong khoang miệng và/hoặc họng;
- Sự ăn mòn xung quanh môi và lợi;
- Hình thành các u nhỏ;
- Sưng hạch;
- Sự thay đổi màu da trong khoang miệng;
- Răng lung lay không rõ nguyên nhân;
- Mất cảm giác bên trong khoang miệng;
- Các vết loét đau;
- Hôi miệng liên tục;
- Rối loạn ngôn ngữ;
- Giảm cân nghiêm trọng.
Theo Khampha.vn