1. Lo âu và căng thẳng
Những lo lắng về tình trạng phát triển của thai nhi, về tình hình tài chính gia đình, các khó khăn trong công việc hay các mối quan hệ xã hội, quan hệ vợ chồng không như mong muốn… có thể là nguyên nhân gây mất ngủ ở bà bầu, nhất là khi bạn lại đem các vấn đề này lên giường ngủ.
2. Hệ tiêu hóa
Cùng với thời gian, thai nhi ngày càng lớn hơn ép vào dạ dày, đẩy thức ăn từ dạ dày trào ngược thực quản. Đồng thời, hệ tiêu hóa trong giai đoạn mang thai cũng hoạt động kém và yếu đi, dẫn đến thức ăn lưu lại trong dạ dày và ruột lâu hơn, gây chứng khó tiêu, ợ nóng và táo bón. Mọi việc sẽ càng tệ hơn vào những tháng cuối thai kỳ, khi thai nhi ngày càng lớn, tạo lực ép ngày càng tăng cho dạ dày hoặc ruột già. Hơn nữa, việc bổ sung nhiều dưỡng chất trong thời gian mang thai khiến cơ thể bạn không thể hấp thụ hết cộng với những thay đổi hormon trong cơ thể gây ra những vấn đề về tiêu hóa trên và đương nhiên những triệu chứng này sẽ làm bạn khó tìm đến giấc ngủ, ngủ không sâu và mất ngủ.
3. Tư thế ngủ
Tìm một tư thế ngủ thoải mái cho bà bầu trong giai đoạn cuối thai kì là một thách thức. Bụng của bạn ngày càng lớn, không thể nằm sấp, không thể nằm ngửa, chỉ còn cách bạn nằm nghiêng. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, nên nằm nghiêng về phía bên trái sẽ tốt cho máu lưu thông dễ dàng tới thai nhi. Nếu bạn thích nằm sấp hoặc nằm ngửa thì chỉ nên thỉnh thoảng sử dụng tư thế này.
Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng những đồ hỗ trợ bạn khi ngủ. Kê một chiếc gối dưới lưng hoặc dưới bụng.
4. Những giấc mơ đêm
Những giấc mơ xáo trộn trong đêm cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn khó ngủ. Mang thai là khoảng thời gian tâm trí bạn khá căng thẳng vì vậy những giấc mơ đáng sợ về đêm là không thể tránh khỏi. Đôi khi vì ban ngày bạn xem một bộ phim nào đó, gặp một chuyện bất ngờ nào đó, chúng cũng có thể đi vào giấc mơ đêm của bạn. Nhiều bà bầu vì quá lo lắng cho thai nhi mà gặp những giấc mơ chẳng lành về em bé trong bụng.
5. Hô hấp
Giai đoạn đầu thai kỳ do tác động của hormon khi mang thai làm hơi thở bạn chậm và sâu, cảm giác hít thở khó khăn. Càng về sau càng khó thở hơn khi dạ con chiếm chỗ và ép lên cơ hoành khiến cử động của cơ hoành giảm bớt nên thai phụ càng phải thở sâu, thở nhiều hơn để lấy nhiều không khí chứa ôxy. Điều này làm tăng hơn 40% dung tích thở, nhưng nhu cầu ôxy chỉ tăng 20%, dẫn đến bà bầu thở ra nhiều carbon dioxyde hơn bình thường. Mức carbon dioxyde thấp trong máu làm tăng thở nông khiến bà bầu càng cảm thấy khó chịu hơn, ảnh hưởng đến cả chất lượng nghỉ ngơi và giấc ngủ.
6. Đau lưng và chuột rút
Cơn chuột rút thường diễn ra đột ngột ở đùi, bắp chân, sau đó là cơn đau tại chỗ chuột rút làm bà bầu phải thức giấc vì đau. Tình trạng này thường diễn ra vào cuối thai kỳ. Hơn nữa, lưng và chân ngày càng phải chịu đựng sức nặng của em bé nên thai phụ dễ gặp phải chứng đau vùng lưng, đây là nguyên nhân phá vỡ giấc ngủ.
7. Tiểu đêm và tăng lượng urê
Thận của bạn phải làm việc thêm 30-50% để lọc thêm khối lượng máu trong suốt quá trình mang bầu, kết quả là lượng urê tăng vọt và bàng quang chứa nhiều nước tiểu hơn. Hơn nữa, dạ con ngày một lớn và chèn ép bàng quang khiến bạn khó chịu và phải đi tiểu thường xuyên, kể cả ban đêm. Đây là nguyên nhân lớn gây mất ngủ cho bà bầu.
8. Thai nhi
Dù mẹ bầu đang ngủ ngon thì không phải em bé của bạn cũng đang ngủ. Rất nhiều mẹ bầu đã than thở vì chứng mất ngủ do thai nhi của mình quá hiếu động. Bé thường huých mạnh trong bụng mẹ khiến bà bầu đột ngột tỉnh giấc và rất khó để có thể ngủ lại.
phunutoday