Theo TS. Nguyễn Duy Thịnh (Khoa Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội): Hiện tượng đỏ mặt hay gặp phải khi uống rượu có thể được giải thích như sau: Mỗi người có ngưỡng đáp ứng khác nhau đối với nồng độ cồn trong máu.
Nồng độ cồn cao sẽ làm mao mạch giãn trên toàn cơ thể, khi đó đối với người có ngưỡng đáp ứng thấp, những nơi tập trung mao mạch dễ thấy như mắt và các vùng da mỏng dễ bị đỏ lên. Có người khi uống bia rượu đỏ mặt, có người thấy đỏ ở cổ, hay lưng và mắt. Các mao mạch ở mắt hiện rõ màu đỏ. Thật ra việc giãn mao mạch này cũng là một tín hiệu để người uống bia rượu biết dừng đúng lúc, không quá chén.
Ảnh minh họa
Dễ mắc bệnh gan
Rượu gây nhiều tác hại trên gan, đây là bộ phận bị tác động nhiều nhất bởi bia rượu làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh gan. Càng uống nhiều rượu và càng uống lâu dài thì càng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên gan. Một trong những căn bệnh dễ thấy nhất là bệnh xơ gan mãn tính.
Dấu hiệu của bệnh này là buồn nôn, sưng khớp, đau ở bụng, mệt mỏi. Rượu là thủ phạm gây xơ gan đứng hàng thứ 2 chỉ sau virus viêm gan B. Bệnh nhân xơ gan thường tử vong do các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, suy kiệt nặng, ung thư gan…
Dễ mắc bệnh huyết áp cao
Còn các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) đã thu thập số liệu của hơn 1.700 người và thấy rằng, những người thường bị đỏ mặt sau khi uống rượu bia có nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn gấp 2,27 lần những người uống mà không đỏ mặt. đã chỉ ra rằng những người bị đỏ mặt khi dùng đồ uống có cồn thường tửu lượng kém và có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn những người khác.
Nhóm nghiên cứu của TS. Jong Sung Kim Sau khi tiến hành cân đối độ tuổi, số đo cơ thể, thể trạng và thói quen hút thuốc đã đưa ra kết luận, nguy cơ bị huyết áp cao tăng lên khi những người bị đỏ mặt uống nhiều hơn 4 chén hàng tuần. Đối với trường hợp không bị đỏ mặt, nguy cơ bị huyết áp cao cũng sẽ tăng lên nếu họ uống rượu bia nhiều hơn 8 chén mỗi tuần. Huyết áp cao do uống rượu bia là nguyên nhân chính gây nên những cơn đau tim và đột quỵ vì chúng kéo giãn các mạch máu.
Những khuyến cáo khi uống rượu
- Không tắm ngay sau khi uống rượu: vì sẽ làm tiêu hao một lượng lớn đường glucose có trong cơ thể, từ đó làm giảm lượng đường trong máu, dẫn tới hạ đường huyết đột ngột, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch.
- Không dùng trà ngay sau khi uống rượu: trong trà có thành phần tanin kích thích nhanh hơn quá trình thẩm thấu của cồn vào dạ dày và gây hại cho dạ dày nhiều hơn.
- Tuyệt đối không uống rượu khi đói: Khi bụng đói, lượng acid trong dạ dày tăng lên, khi kết hợp với chất cồn trong rượu, bia sẽ làm bạn dễ say hơn, kèm theo đó là cảm giác nôn nao, khó chịu..
- Nên uống nhiều nước khi uống rượu, bia: nên uống nước ngay sau khi uống rượu. Dù lượng nước nhiều hay ít thì việc này cũng giúp đẩy nhanh quá trình đào thải chất cồn ra khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện, làm bạn không bị say khi uống rượu.
Theo Sức khỏe gia đình