Giai đoạn sau sinh là thời kỳ hồi phục về sức khỏe của người phụ nữ, vì vậy, việc cung cấp đầy đủ các dưỡng chất hợp lý là rất cần thiết.
1. Sắt
Hầu hết phụ nữ sau sinh sẽ mất một lượng máu rất lớn, nếu không được bổ sung sẽ gây nên tình trạng mệt mỏi, nhức đầu, suy nhược, rụng tóc,... kèm theo việc thường xuyên thức đêm chăm con sẽ dễ có nguy cơ bị suy nhược cơ thể trầm trọng. Do đó, việc bổ sung sắt là rất quan trọng.
Những thực phẩm giàu sắt có nguồn gốc từ động vật như gan, thịt bò, thịt gà, trứng… và có nguồn gốc từ thực vật như rau bina, đậu, cải xoăn…
2. Vitamin
Sau khi sinh, phụ nữ cần bổ sung nhiều vitamin hơn so với thời kỳ mang thai. Các vitamin đóng vai trò quan trọng cho quá trình phục hồi sau sinh là vitamin A, C, D. Hầu hết chức năng của các vitamin này là giúp người mẹ tăng cường hệ miễn dịch, giúp răng và xương chắc khỏe, dễ hấp thụ các chất khác.
Vitamin D có nhiều trong sữa, lòng đỏ trứng, dầu gan cá, sữa đậu nành, nước cam, ngũ cốc, bánh mì…
Vitamin A dồi dào trong cá hồi, sữa, trái cây họ cam quýt, đu đủ, dứa, xoài, mít, khoai lang,…
Vitamin C thường gặp trong ổi, cam, dâu tây, cà chua, kiwi, quả mâm xôi, rau muống, súp lơ…
3. Canxi
Canxi là chất khoáng phong phú nhất của cơ thể, giúp sự trao đổi chất được thông suốt hơn, đóng vai trò then chốt trong việc giúp xương và răng chắc khỏe. Khi em bé sinh ra, một lượng canxi của mẹ đã chuyển qua cho bé nếu mẹ đang cho con bú. Vì thế nếu không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và trẻ sơ sinh.
Những thực phẩm chứa nhiều canxi như tôm, cua, ốc, sữa, đậu nành, đậu phụ, rau xanh…
4. Protein
Protein là vật chất cơ bản của sự sống, có tác dụng khôi phục các cơ quan trong cơ thể rất tốt, duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Người mẹ sau sinh còn yếu nên nhu cầu về protein luôn luôn cao, việc cung cấp để hồi phục và phát triển là rất cần thiết.
Những thực phẩm giàu protein bao gồm: thịt bò, trứng, sữa, đậu nành, đậu đen, yaourt…
5. Kẽm
Kẽm là dưỡng chất hỗ trợ hệ thống miễn dịch, cần thiết trong việc làm lành vết thương, giúp bảo vệ vị giác và khứu giác.
Các mẹ có thể bổ sung kẽm cho cơ thể bằng cách ăn nhiều thực phẩm như sò, cá biển, trứng gà, thịt…
6. Chất xơ
Sự thay đổi đột ngột các kích thích tố trong giai đoạn bầu và sau sinh hay do hạn chế vận động và lo âu, có thể gây tình trạng táo bón ở hầu hết sản phụ. Tình trạng đó kéo dài sẽ có nguy cơ dẫn đến trĩ và ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho bé. Ngoài ra, chất xơ còn giúp các mẹ giảm cân nhanh chóng vì chỉ tạo cảm giác no mà không tăng lượng calo trong cơ thể.
Để phòng tránh táo bón, các mẹ nên ăn những loại thực phẩm như rau dền, mồng tơi, bí đỏ, khoai lang, ngũ cốc, cám gạo, ngô, lạc, bưởi, cam…
Phương Thảo (Theo Giadinhvietnam.com)