1. Nhức nửa đầu
Kinh nguyệt là một yếu tố phát động mạnh gây nhức nửa đầu - một bệnh thường thể hiện ngay từ tuổi vị thành niên, có liên quan đến sự dao động của hormon giới tính nữ trong chu kỳ kinh nguyệt, chủ yếu là do sự tụt giảm estrogen (cho nên mới thường đau đầu vào nửa sau của chu kỳ kinh là giai đoạn hoàng thể) và noãn tăng mức độ kích thích. Nhức nửa bên đầu có thể kéo dài từ vài phút đến vài ngày, cảm giác đau nửa bên đầu kèm theo buồn nôn/nôn, nhạy cảm với ánh sáng, tiếng động và mùi.
Tỷ lệ phụ nữ bị nhức nửa đầu trong 2 ngày đầu hành kinh gấp đôi so với thời gian còn lại của chu kỳ kinh nguyệt. Cũng có khi nhức đầu vào hai ngày trước kỳ kinh, đến thời điểm phóng noãn thì nguy cơ nhức đầu giảm đi.
2. Tổn thương khớp gối
Người ta nhận thấy rằng, khi nồng độ estrogen ở mức cao nhất trong chu kỳ kinh thì người phụ nữ lại dễ bị tổn thương khớp gối - đặc biệt là dây chằng trước đùi. Tổn thương loại này chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới gấp 8 lần. Sang chấn khớp gối thường xảy ra vào thời kỳ rụng trứng - thời kỳ có đặc trưng là sự tăng cao estrogen và hormon relaxacin. Có thể estrogen và relaxin đã có tác động sâu sắc đến hệ thống thần kinh - cơ và chức năng cơ giới của các mô mềm như giây chằng và gân.
Sở dĩ phụ nữ dễ bị tổn thương khớp gối vì những đặc tính sinh lý của phụ nữ như: khung chậu rộng tạo ra một sức ép mạnh hơn lên phần trong của khớp gối, sức mạnh của nhóm cơ ở cẳng chân yếu hơn và sức chịu đựng cũng kém hơn.
3. Đái tháo đường
Phụ nữ bị đái tháo đường khó kiểm soát được đường huyết trong tuần lễ đầu trước kỳ kinh, với mức đường huyết hoặc cao hơn hoặc thấp hơn thường lệ. Vấn đề này xem ra rất phổ biến ở phụ nữ có những triệu chứng tiểu đường kết hợp với hội chứng tiền kinh nguyệt. Nguyên nhân có thể là do hormon estrogen và progesterone làm cho nội mạc tử cung phát triển, dầy lên, chuẩn bị để đón trứng đã thụ tinh. Nếu trứng không được thụ tinh thì buồng trứng ngừng bài tiết hai hormon nói trên và sự sụt giảm đột ngột của hormon đã làm cho nội mạc tử cung bong, đó là kinh nguyệt.
Người ta cho rằng ở một số phụ nữ có nồng độ progesteron cao có thể làm cho nồng độ đường (glucoza) thấp hơn bình thường. Chính tình trạng phù nề, giữ nước, dễ cáu kỉnh, trầm cảm, thèm ăn đường và mỡ - đặc trưng của hội chứng tiền kinh nguyệt là nguyên nhân dẫn đến không kiểm soát được mức đường huyết.
4. Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa không phải hiếm gặp trong chu kỳ kinh nguyệt. Có người bị tiêu chảy vào tuần lễ trước hành kinh và bị táo bón trong tuần lễ sau hành kinh.
5. Biện pháp kiểm soát
Đôi khi có thể quản lý hoặc làm giảm các triệu chứng của các bệnh liên quan đến kinh nguyệt bằng cách làm thay đổi cách ăn uống, tập thể dục và phương pháp tiếp cận cuộc sống hàng ngày.
Thư giãn bằng yoga giúp giảm đau đầu.
- Sửa đổi chế độ ăn uống:
Kiên trì một chế độ ăn điều độ càng nhiều bữa càng tốt để giảm đầy hơi và cảm giác no. Hạn chế muối và thức ăn mặn để giảm đầy hơi và giữ nước.
Chọn thực phẩm giàu carbohydrate, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc.
Chọn thực phẩm giàu canxi. Nếu bạn không thể chịu đựng được các sản phẩm sữa hoặc không nhận được đầy đủ canxi trong chế độ ăn uống, có thể cần bổ sung canxi mỗi ngày.
Hãy bổ sung vitamin hàng ngày, tránh chất caffeine và rượu.
- Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên
Tham gia ít nhất 30 phút đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội hoặc hoạt động aerobic khác hầu hết các ngày trong tuần. Thường xuyên tập thể dục hàng ngày có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và làm giảm các triệu chứng như mệt mỏi và tâm trạng của trầm cảm.
- Giảm căng thẳng
Ngủ đủ giấc.
Thư giãn bằng yoga hoặc tập hít thở sâu để giúp giảm đau đầu, lo lắng hoặc khó ngủ.
Hãy thử yoga hoặc massage để thư giãn và giảm stress.
Một chế độ ăn uống, vận động kết hợp với sự chỉ dẫn của thầy thuốc trong những ngày trước hành kinh có thể giúp kiểm soát được đường huyết và hạn chế các bệnh liên quan đến kinh nguyệt.
Phunutoday.vn