Nhiều người thắc mắc tại sao khi mệt, bị bệnh, chúng ta thường ngủ nhiều hơn. Đó là bởi vì, lúc chúng ta đang ngủ sâu, lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể chúng ta sẽ tăng lên rất cao. Số lượng của các tế bào bạch cầu càng cao thì khả năng phòng chống bệnh càng tốt. Trong cơ thể con người có một loại protein có trách nhiệm phụ trách khả năng hồi phục của cơ thể, nếu như số lượng protein này giảm đi thì cơ thể càng khó hồi phục nhanh chóng. Khi ngủ, lượng protein này được sản sinh ra nhiều hơn. Thế nên, ngủ một giấc lúc mệt mỏi sẽ khiến bạn cảm thấy khỏe hơn nhiều khi tỉnh dậy.
Tuy nhiên, lúc khỏe mạnh, nếu bạn thường xuyên cảm thấy buồn ngủ thì bạn nên chú ý hơn đến sức khỏe của mình. Liên tục buồn ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh sau:
- Rối loạn đường huyết: Bình thường, để duy trì sự tỉnh táo, vùng dưới đồi sẽ tiết ra hormone hypocretin. Những người bị rối loạn đường huyết hoặc cơ thể thiếu sắt sẽ rơi vào trường hợp nồng độ hypocretin tiết ra ít đi, từ đó khiến họ không được tỉnh táo và luôn cảm thấy buồn ngủ.
Liên tục buồn ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh như suy tuyến giáp
rối loạn đường huyết, thiếu sắt... Ảnh minh họa
- Suy tuyến giáp: Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong điều hòa hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa… Khi chức năng tuyến giáp bị suy giảm, nó không thể sản xuất đủ lượng kích thích tố giáp trạng để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho cơ thể con người. Do đó, chức năng trao đổi chất của các phủ tạng trong cơ thể bị suy giảm. Khi chức năng của tuyến giáp suy giảm sẽ làm cơ thể uể oải và lúc nào cũng buồn ngủ (có thể ngủ 14-16 tiếng mỗi ngày).
- Thiếu sắt: Sắt là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin - có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể. Nếu thiếu sắt, sự vận chuyển oxy đến các mô cơ thể sẽ giảm sút, nhất là ở não, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, dẫn đến hiện tượng hay buồn ngủ.
- Xơ cứng động mạch não: Người bị xơ cứng động mạch não thường gặp trường hợp lưu thông máu trong cơ thể chậm, dẫn tới lượng oxy cung cấp cho các cơ quan không được kịp thời, nhất là oxy cung câó cho não. Do đó, chức năng của não bị ảnh hưởng dẫn tới tình trạng rối loạn giấc ngủ, người bệnh sẽ cảm thấy buồn ngủ và ngáp liên tục.
Ngủ đủ giấc mỗi ngày là điều hết sức cần thiết để nâng cao sức khỏe. Mỗi người khỏe mạnh cần phải ngủ đủ từ 6-8 tiếng mỗi ngày, đối với người già, người sức khỏe yếu có thể ngủ nhiều hơn từ 9-10 tiếng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ngủ đủ giấc theo quy định chứ không nên ngủ quá nhiều mỗi ngày bởi nó sẽ gây ra những tác dụng ngược lại như thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hô hấp, tiểu đường.
Theo Trí Thức Trẻ