Nhận định đúng về tình trạng sức khỏe của mình là điều cực kì quan trọng, vì nó giúp bạn có quyết định đúng đắn trong việc chữa bệnh. Đánh giá tình trạng sức khỏe theo màu sắc đèn giao thông giúp bạn biết được khi nào thì không nên lo lắng quá, khi nào thì không được lơ là...
Dưới đây là một số chỉ dẫn cho sức khỏe mà bạn nên tham khảo. Nếu chia các cấp độ từ bình thường đến trầm trọng theo ba màu xanh, vàng, đỏ như đèn giao thông thì màu xanh sẽ là không đáng lo, màu vàng là bạn nên đi khám và màu đỏ là cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Dưới đây là triệu chứng của một số bệnh phổ biến phân chia theo cấp độ từ bình thường đến nghiêm trọng mà bạn nên biết.
Nghi ngờ bị bệnh đau tim
- Màu xanh: Có cảm giác đau rát sau xương ức. Cơn đau có thể tồi tệ hơn sau bữa ăn và khi nằm ngửa. Tuy nhiên, đây không phải là triệu chứng đau tim, nó thường là do chứng ợ nóng (trào ngược axit dạ dày trào vào thực quản) gây ra. Tình trạng này có thể giảm nếu bạn hạn chế uống sữa hoặc không dùng thuốc kháng axit.
- Màu vàng: Đau ở khu vực nhất định (người bệnh có thể chỉ ra vị trí chính xác) cũng hiếm khi do bệnh nghiêm trọng gây ra, nó có thể là do chấn thương cơ bắp hoặc từ vùng xương sườn chứ không nhất định là do tim. Nếu thấy các triệu chứng khác như nhịp tim thất thường, đánh trống ngực... thì bạn nên đi khám để biết nguyên nhân có phải từ tim không hay do sự stress, vận động quá sứ gây ra.
- Màu đỏ: Nếu đau nặng ở trung tâm vùng ngực (và trong cổ họng, quai hàm hoặc cánh tay) kèm theo khó thở, đau thắt ngực... thì bạn nên đi khám ngay lập tức. Triệu chứng này có thể do nguồn cung cấp máu tới tim bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến tim, dễ dẫn tới các cơn đau tim. Các cơn đau thắt này có thể do cơ thể vận động quá nhiều, nhanh, mạnh khiến máu không lưu thông kịp. Nếu cơn đau không thuyên giảm sau vài phút thì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo một cơn đau tim.
Ảnh minh họa
Nghi ngờ bị bệnh tiểu đường
- Màu xanh: Những dấu hiệu như đi tiểu thường xuyên, nước tiểu ít hoặc có cảm giác nóng rát khi đi tiểu... không phải là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Đây thường là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu và bạn có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh.
- Màu vàng: Nếu bạn đang đi tiểu thường xuyên hơn, kèm theo cảm giác rất mệt mỏi và khát nước liên tục mặc dù đã uống rất nhiều... thì bạn nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra lượng đường trong máu. Đây có thể là những dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường.
- Màu đỏ: Ngoài những triệu chứng như đi tiểu thường xuyên hơn, kèm theo cảm giác rất mệt mỏi và khát nước liên tục, bạn còn buồn ngủ, buồn nôn và ói mửa, hơi thở có mùi khó chịu... thì bạn phải đi khám ngay lập tức. Tình trạng này cho thấy trong cơ thể xảy ra tình trạng thiếu insulin do cơ thể không thể sử dụng glucose tạo thành năng lượng và bắt đầu phá vỡ chất béo - dẫn đến việc sản xuất các hóa chất độc hại được gọi là xeton. Đây là giai đoạn bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng hơn.
Nghi ngờ bệnh sỏi mật
- Màu xanh: Khó chịu vùng bụng trên đường giữa bụng - đặc biệt là sau khi ăn nhiều. Triệu chứng này thường là một dấu hiệu của chứng khó tiêu chứ không phải do sỏi mật gây ra.
- Màu vàng: Liên tục cảm thấy khó chịu nhẹ phía dưới xương sườn bên phải và phía trên, bên phải của bụng sau một bữa ăn lớn. Triệu chứng kèm theo có thể là buồn nôn. Đây có thể là dấu hiệu bệnh xuất phát từ túi mật và thường gặp ở những người thừa cân, phụ nữ trung niên. Khi thấy các triệu chứng này, bạn nên đi kiểm tra sớm.
- Màu đỏ: Trường hợp này nghiêm trọng khi thấy có các cơn đau lan tỏa khắp vùng bụng trên (và lên đến xương bả vai bên phải). Đây là những dấu hiệu thường thấy khi sỏi có trong túi mật bị mắc kẹt trong ống mật chủ. Các triệu chứng khác bao gồm ngứa da, sốt, nước tiểu đậm màu và phân nhạt màu. Trường hợp này bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức.
Ảnh minh họa
Nghi ngờ viêm ruột thừa
- Màu xanh: Những cơn đau bụng di chuyển quanh bụng với các cường độ khác nhau không hẳn là do viêm ruột thừa gây ra. Nguyên nhân của nó có thể là do hội chứng ruột kích thích. Hãy thay đổi chế độ ăn uống của bạn và chú ý theo dõi xem các cơn đau bụng này có biến mất hay không.
- Màu vàng: Nếu sau khi thay đổi thói quen ăn uống, các cơn đau vẫn không thay đổi và kèm theo các triệu chứng khác như giảm cân, chán ăn... thì bạn nên đi khám bác sĩ.
- Màu đỏ: Nếu gặp các cơn đau đột ngột, quặn thắt, ngày càng tồi tệ hơn khiến bạn không thể ngủ kèm theo sự tiêu chảy, có máu trong phân hoặc ói mửa... thì bạn cần đi khám ngay lập tức, không được chậm trễ.
Pháp Luật Xã Hội