Trong mùa hè và mùa xuân thường có muỗi nhiều hơn hẳn. Nguyên nhân chính là 2 mùa này mưa nhiều, ẩm ướt tạo thuận lợi cho muỗi đẻ trứng. Lúc này muỗi rất cần lượng lớn máu để phục vụ quá trình sinh sản nên máu người luôn được muỗi ưu tiên.
Việc muỗi đốt ngoài bị mất máu, sưng tấy như thông thường còn có thể lây nhiễm một số bệnh nguy hiểm. Vì thế, phòng trừ muỗi đốt là rất cần thiết.
Thực tế, có người bị muỗi đốt nhưng có người ngôi cạnh lại không. Người ta truyền tai nhau rằng: do da thịt thơm, do da mỏng, do nhóm máu... dễ bị muỗi đốt. Liệu suy nghĩ này có đúng không?
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng T.Ư (NIMPE), cho biết nhiều thông tin được lan truyền trong cộng đồng, cho rằng người nhóm máu O hoặc "thịt thơm" bị muỗi đốt nhiều hơn. "Tuy nhiên, thông tin này hiện chưa có cơ sở khoa học chứng minh".
Muỗi có bộ phận cảm thụ nằm ở râu, được ví là "ăng ten cảm thụ" của chúng. Đây là cơ quan xác định phương hướng được muỗi dùng để tìm tới người và đốt. Bộ phận "ăng ten cảm thụ" của muỗi rất mẫn cảm với mùi.
"Không phải "thịt thơm" là muỗi thích, mà thực ra chúng rất mẫn cảm với mùi thơm. Ví như mùi nước hoa là thứ muỗi không thích và muỗi sẽ không dám tới gần", ông Dũng cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, một số mùi hương muỗi cũng thường không thích như: sả, tinh dầu tràm, bạc hà… Dựa vào cơ chế này, con người đã sản xuất ra các sản phẩm xua đuổi muỗi hiệu quả.
"Với nhóm máu cũng như vậy, chưa có cơ sở chứng minh người có nhóm máu O muỗi sẽ đốt nhiều hơn các nhóm máu khác", ông Dũng cho hay.
Ngoài ra, muỗi cũng phân biệt con mồi dựa vào carbon dioxide (CO2). Khi con người thở ra thì sẽ thải ra khí CO2. Lượng khí này sẽ không hòa tan ngay khi mới ra khỏi cơ thể mà hình thành dạng chùm khí nên muỗi bay theo. Muỗi cũng phát hiện ra con mồi thông qua nguồn CO2 này khiến muỗi nhận ra con người để bay tới.
Muỗi rất tinh, nên có thể phát hiện ra nguồn CO2 từ khoảng cách 50m và bay theo đặc biệt khi thấy mật độ CO2 cao.
Ngoài ra còn các yếu tố thu hút muỗi ở mỗi người khác nhau là vì có sự khác biệt ở tuyến mồ hôi, màu sắc cơ thể, nhiệt độ, kết cấu da, loại và lượng vi khuẩn sống trên da, phụ nữ đang mang thai, khí carbon dioxide, rượu hoặc chế độ ăn uống.
Trên da người nào có lượng axit lactic và amoniac cao thì muỗi hay đốt. Những chất này thường tăng sau khi vận động, tập luyện. Những người có hệ vi khuẩn trên da nhiều thi cũng ít hấp dẫn muỗi hơn, yếu tố này do di truyền, tuổi tác và hệ miễn dịch.
Do đó có nhiều yếu tố để muỗi tìm ra con mồi chứ không chỉ là do mùi của da thịt.
Mẹo để muỗi tránh xa
Từ những yếu tố thu hút muỗi như trên, chúng ta có thể có vài mẹo phòng tránh muỗi đốt như sau:
- Khi đi ngoài nắng về, khi nằm trong phòng nhiệt độ cao, khi tập thể dục xong hãy lau khô mồ hôi, vận động để giảm lượng axit lactic trên da để không thu hút muỗi.
- Hãy làm cho cơ thể bạn có mùi thơm mà muỗi sợ như mùi tinh dầu sả, chanh, bạch đàn chanh... vì muỗi sợ những mùi này.
- Nên mặc quần áo dài che chân che tay khi ra ngoài đường, khi trời chập choạng tối.
- Trong nhà có thể đốt xông vỏ bưởi, sả, ngải cứu để đuổi muỗi.
- Hãy xông xịt tinh dầu, lau sàn nhà cho thơm cũng sẽ khiến muỗi sợ.
Tường San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)