Giá trị dinh dưỡng của quả mận
Không thể phủ nhận mận là một trong những loại trái cây được nhiều người ưa chuộng nhất trong những ngày nắng nóng. Loại quả này chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa và hỗ trợ làn da khỏe mạnh. Bên cạnh đó, vitamin A trong mận rất tốt cho thị lực và giúp da mịn màng hơn.
Quả mận tuy ngon và giàu vitamin (đặc biệt là vitamin C, chất chống oxy hóa), nhưng không phải ai cũng nên ăn nhiều
Mận còn có lượng chất xơ dồi dào, giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón. Thêm vào đó, các khoáng chất như kali, sắt, magie trong mận giúp cân bằng điện giải, tốt cho tim mạch, hệ thần kinh và xương khớp. Với lượng calo thấp, mận còn là lựa chọn phù hợp cho những người muốn giữ dáng.
Tuy nhiên, “món ngon cũng cần đúng người”. Dưới đây là những trường hợp cần đặc biệt lưu ý khi ăn mận.
Những người không nên ăn mận
Người mắc bệnh dạ dày
Mận có vị chua và chứa nhiều axit hữu cơ - yếu tố có thể kích thích niêm mạc dạ dày, làm tăng tiết dịch vị và gây đau. Đặc biệt, với những người bị viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, việc ăn mận, đặc biệt là mận xanh có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu vẫn muốn thưởng thức, người bệnh nên chọn mận chín, ăn sau bữa chính và chỉ ăn một lượng nhỏ.
Người bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa
Do mận chứa nhiều chất xơ và có tính nhuận tràng, nên nếu đang bị tiêu chảy hoặc mắc các bệnh lý tiêu hóa (như hội chứng ruột kích thích), người bệnh nên tránh xa loại quả này. Ăn mận trong lúc đường ruột đang “bất ổn” có thể khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài, gây mất nước và mệt mỏi.
Người có tiền sử sỏi thận
Trong mận có axit oxalic, chất có thể kết hợp với canxi trong cơ thể để tạo thành tinh thể muối, từ đó hình thành sỏi thận. Vì vậy, người từng mắc sỏi thận hoặc có nguy cơ cao nên hạn chế ăn mận, đặc biệt là các sản phẩm chế biến như mận muối, mận sấy khô vốn có hàm lượng oxalat cao hơn.
Người có cơ địa nóng trong
Mận có tính nóng, ăn quá nhiều dễ gây nhiệt miệng, nổi mụn nhọt hoặc phát ban đặc biệt ở những người vốn đã có cơ địa “nội nhiệt”. Để hạn chế tác dụng phụ, nên ăn mận với lượng vừa phải và bổ sung thêm nước hoặc rau xanh để cân bằng nhiệt trong cơ thể.
Người mới phẫu thuật hoặc đang điều trị bệnh
Người vừa phẫu thuật xong, đặc biệt là các ca mổ liên quan đến hệ tiêu hóa, nên kiêng ăn mận trong thời gian hồi phục. Một số chất trong mận có thể gây kích ứng hoặc ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị.
Ăn mận đúng cách để không hại sức khỏe
Dù yêu thích mận đến đâu, người tiêu dùng vẫn cần lưu ý một số điểm sau:
Không ăn mận khi đói vì lượng axit trong quả có thể gây cồn ruột, đau bụng.
Không nên ăn quá nhiều trong ngày (khoảng 5–7 quả là đủ), nhất là với trẻ nhỏ.
Hạn chế ăn mận quá chua, dễ gây tổn thương dạ dày.
Không lạm dụng muối chấm, vì có thể gây tăng huyết áp, ảnh hưởng đến chức năng thận.
Nên uống nhiều nước sau khi ăn để hỗ trợ đào thải axit oxalic ra ngoài cơ thể.
Mận là loại quả mùa hè bổ dưỡng, nhưng như mọi loại thực phẩm khác, cần được sử dụng một cách khoa học. Nếu bạn thuộc nhóm người có các vấn đề sức khỏe kể trên, hãy cân nhắc kỹ trước khi thưởng thức để tránh những ảnh hưởng không mong muốn. Ăn đúng – ăn đủ – và ăn hợp lý mới là chìa khóa cho sức khỏe bền vững.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)