Phải thừa nhận rằng sự ra đời và phổ biến của chiếc tủ lạnh giúp chúng ta dễ dàng hơn trong bảo quản thực phẩm. Đặc biệt là với dịp Tết Nguyên đán, khi cần dự trữ thực phẩm trong nhiều ngày hoặc có quá nhiều thức ăn thừa. Tuy nhiên, không phải thực phẩm hay món ăn thừa nào cũng phù hợp để bảo quản trong tủ lạnh.
Không phải thực phẩm nào cũng phù hợp để bảo quản trong tủ lạnh
Tiến sĩ Dimple Jangda, chuyên gia y tế tại Ayurveda & Gut Health Coach (Mỹ) cảnh báo: “Nhiều người có thói quen bỏ bất cứ thực phẩm, món đồ ăn nào vào tủ lạnh với mong muốn nó tươi ngon, giữ được lâu hơn. Nhưng thực tế thì có một số thực phẩm hay món ăn khi để trong tủ lạnh vừa nhanh hỏng lại gây hại cho sức khỏe. Đó không chỉ là vi khuẩn tấn công mà bạn còn có thể mắc nhiều bệnh tật khác, bao gồm cả ung thư”.
Trong số những cái tên được bà liệt kê, có 4 thực phẩm cực quen thuộc trong mỗi dịp lễ Tết mà chúng ta cần lưu ý sau đây:
Tỏi
Tỏi tốt cho sức khỏe và được dùng phổ biến hơn vào dịp Tết, nhưng Tiến sĩ Dimple Jangda cảnh báo đừng bỏ chúng vào tủ lạnh, nhất là nếu đã bóc vỏ. “Đừng bao giờ mua tỏi đã bóc vỏ hay vì muốn tiện lợi hơn cho lần sử dụng tới mà bóc sẵn vỏ tỏi rồi cho vào tủ lạnh. Bởi vì nó sẽ nhanh chóng bị mốc, gây hại và cũng giảm hương vị” - Dimple Jangda nói. Bà chỉ ra rằng nấm mốc trong tỏi có liên quan đến bệnh ung thư, và độ ẩm trong tủ lạnh sẽ đẩy nhanh sự phát triển của nấm mốc.
Cụ thể, bà giải thích: “Do nhiệt độ thấp trong tủ lạnh sẽ làm tỏi cứng lại và độ ẩm cao từ thiết bị này sẽ khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn. Phần mầm tỏi mọc ra cũng giống như hành lá, cực kỳ dễ hút ẩm và thối rữa nên nguy cơ trở thành ổ của vi khuẩn càng cao hơn. Điều này xảy ra với cả tỏi còn vỏ cũng như bóc vỏ”.
Bà khuyên rằng nên chọn mua tỏi còn nguyên vỏ và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, có thể phơi khô để lưu trữ lâu hơn. Còn với tỏi bóc vỏ, hãy chỉ bỏ loại tỏi bảo quản với dầu ăn, giấm trong hũ kín vào tủ lạnh.
Hành tây
Để hành tây trong tủ lạnh là sai lầm rất nhiều người mắc phải
Bên cạnh tỏi, hành cũng là nguyên liệu được nhiều người hay cho nhầm vào tủ lạnh. Nhất là vào dịp lễ Tết cần sử dụng nhiều hơn. Nhưng Tiến sĩ Jangda khuyến cáo nên đặt hành tây trong tủ hoặc kệ khô ráo, tránh ẩm ướt. Điều này có thể kéo dài thời gian sử dụng, giúp hành không bị hư hỏng thay vì bỏ vào tủ lạnh.
Bởi vì nếu bảo quản không đúng cách trong tủ lạnh, hành tây sẽ hấp thụ vi khuẩn xung quanh, làm tăng nguy cơ hư hỏng. Ở một số nơi, người ta thậm chí còn đặt những lát hành tây ở góc phòng người bệnh để hấp thụ các vi khuẩn có hại. Điều này chứng tỏ khả năng hấp thụ vi khuẩn của loại củ này.
Tiến sĩ Dimple Jangda cảnh báo: “Bề ngoài củ hành có thể không biểu hiện héo hoặc mốc, song nó có thể đã hấp thụ lượng lớn vi khuẩn từ tủ lạnh, về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều hộ gia đình ở Mỹ chỉ vệ sinh tủ lạnh một đến hai lần trong năm. Lượng vi khuẩn truyền từ tủ sang thực phẩm có thể rất lớn, khiến hành tây trở thành mối đe dọa sức khỏe”.
Gừng tươi
Tiến sĩ Dimple Jangda cũng đề cập đến vấn đề bảo quản gừng tươi trong tủ lạnh. Tương tự như với tỏi, nhiệt độ thấp và độ ẩm cao trong tủ lạnh khiến cho gừng nhanh bị cứng lại, phát triển vi khuẩn dẫn tới nấm mốc và mọc mầm. Bà nói: "Gừng tươi có thể nhanh chóng bị mốc khi để trong tủ lạnh và nấm mốc này có liên quan đến suy thận và gan. Mặc dù bản thân gừng tươi có lợi cho sức khỏe thận nhưng việc bảo quản không đúng cách có thể gây hại.
Cụ thể, gừng để trong tủ lạnh dễ bị nấm mốc và mọc mầm hơn, nếu sử dụng sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Thậm chí gừng mốc hỏng sẽ sinh ra độc tố safrole (một chất thuộc nhóm có thể gây ung thư 2B) làm thoái hóa tế bào gan, hoại tử, thậm chí dẫn đến ung thư gan. Gừng mọc mầm không chỉ biến chất, mất vị, giảm dinh dưỡng mà còn có thể gây ngộ độc nhẹ, không tốt cho dạ dày, gan và thận".
Cơm thừa, nhất là cơm chưa nguội hẳn
Tuyệt đối không bỏ cơm còn nóng hay chỉ ấm nhẹ vào trong tủ lạnh
Ngày Tết, nhiều “mâm cao cỗ đầy” nên cơm trắng thường là món ăn bị thừa lại nhiều và hầu hết mọi người đều bảo quản chúng trong tủ lạnh. Tuy nhiên, Tiến sĩ Dimple Jangda nhấn mạnh rằng việc bảo quản cơm đã nấu chín trong tủ lạnh là không đủ an toàn.
Bà nói: “Nhiều người cho cơm vào tủ lạnh với suy nghĩ sẽ đánh bay tinh bột nhưng thực tế cơm chín là một trong những thực phẩm dễ bị nấm mốc nhất. Tốt nhất bạn không nên để trong tủ lạnh, còn nếu bắt buộc bảo quản trong đó thì hãy để cơm nguội hẳn sau đó đóng kín hộp và chỉ bảo quản trong tủ lạnh tối đa 24 giờ đồng hồ”.
Tiến sĩ Dimple Jangda cũng cảnh báo rằng gạo thường là thủ phạm gây ra các vụ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm vì dễ tiềm ẩn vi khuẩn có hại. Sau khi nấu chín thành cơm một số loại vi khuẩn vẫn không bị tiêu diệt hoàn toàn. Ví dụ như Bacillus cereus, có thể tồn tại trong quá trình nấu nướng ở nhiệt độ cao. Nên nếu cơm chín để ở nhiệt độ phòng hoặc cao hơn, cụ thể là từ 4 - 60 độ C, bào tử có thể biến thành vi khuẩn. Điều quan trọng là ngộ độc thực phẩm do cơm thừa có thể xảy ra ngay cả khi cơm không hề có dấu hiệu ôi thiu.
“Bản thân việc bỏ thực phẩm nóng vào tủ lạnh sẽ làm giảm dinh dưỡng, biến chất. Kết cấu, tính chất giữ nhiệt và giữ ẩm của cơm thừa cũng làm tăng nguy cơ sinh sôi vi khuẩn, dễ bị biến chất và gây hại - ngay cả sau khi hâm nóng lại. Chưa kể, bỏ cơm nóng vào tủ lạnh làm tăng nhiệt độ chung của tủ lạnh, khiến các thực phẩm khác và chính nó dễ hư hỏng hơn. Nên cần đảm bảo cơm nguội hoàn toàn trước khi bỏ vào tủ, nhưng cũng đừng để cơm bên ngoài quá lâu để bảo vệ sức khỏe” - Tiến sĩ Dimple Jangda giải thích thêm.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)