Anh Trung Nghĩa 29 tuổi, từ nhỏ đã có hệ tiêu hoá không ổn định, tuy nhiên chưa từng tiến hành kiểm tra tổng quát. Khoảng một tháng trở lại đây, anh thường xuyên đi ngoài 1-2 lần mỗi ngày, phân không thành khuôn.
Ban đầu, nghe qua triệu chứng, bác sĩ thấy không quá lo ngại vì các triệu chứng này khá phổ biến ở nhiều bệnh lý đường tiêu hoá. Tuy nhiên, khi nghe anh chia sẻ rằng mẹ và chị gái đều mắc ung thư đại tràng, trong đó mẹ anh đã qua đời vì căn bệnh này, bác sĩ lập tức yêu cầu tiến hành nội soi tiêu hoá.
Kết quả khiến nhiều người giật mình: trong đường ruột của Tiểu Lưu phát hiện hàng trăm polyp, nghi ngờ cao là mắc bệnh polyp tuyến dạng di truyền. Một số polyp đã tiến triển thành ung thư tuyến, thậm chí di căn đến gan. Hiện tại, anh đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Polyp đại tràng là dấu hiệu tiền ung thư thường bị bỏ qua vì triệu chứng mờ nhạt (Ảnh minh họa)
Vì sao dễ hình thành polyp trong đường ruột?
Polyp đại tràng là những khối u nhỏ bất thường mọc lồi trên bề mặt niêm mạc ruột. Khoảng 85% các ca ung thư đại trực tràng đều bắt nguồn từ polyp. Một polyp có thể mất từ 5-10 năm để chuyển sang ung thư.
Theo bác sĩ Lưu Tư Đức, Trưởng khoa Tiêu hoá – Bệnh viện Nam Phương, Đại học Y khoa Nam Phương (Trung Quốc), nguyên nhân cụ thể gây ra polyp vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến các yếu tố sau:
- Tuổi tác: Càng lớn tuổi, nguy cơ xuất hiện polyp càng cao do sự lão hoá của niêm mạc và giảm khả năng sửa chữa tế bào.
- Chế độ ăn uống: Ăn nhiều chất béo, protein động vật và ít chất xơ làm tăng nguy cơ xuất hiện polyp. Người có tỷ lệ chất béo trong khẩu phần >40% có nguy cơ cao hơn rõ rệt.
- Viêm mãn tính: Các bệnh như viêm đại tràng mãn tính, viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn gây kích ứng niêm mạc kéo dài, dễ dẫn đến hình thành polyp.
- Yếu tố di truyền: 10-27% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có tiền sử gia đình mắc bệnh. Nếu trong nhà có người từng bị polyp tuyến, nguy cơ mắc bệnh tăng cao.
- Rối loạn hệ vi sinh đường ruột: Mất cân bằng lợi khuẩn, hại khuẩn có thể gây viêm mãn tính niêm mạc ruột, tạo điều kiện cho polyp hình thành.
4 dấu hiệu cảnh báo polyp đại tràng khi đi vệ sinh
Khi xuất hiện polyp trong đại tràng, cơ thể có thể phát ra một số tín hiệu cảnh báo, cần đặc biệt lưu ý:
Đi ngoài ra máu
Đây là triệu chứng phổ biến. Phân có thể dính máu màu đỏ sẫm do ma sát giữa phân khô và polyp. Trong một số trường hợp, máu chỉ được phát hiện qua xét nghiệm phân (dương tính với máu ẩn).
Polyp sa ra ngoài hậu môn
Những polyp có cuống, nằm gần hậu môn, có thể bị đẩy ra ngoài khi đi vệ sinh, có màu đỏ tươi và tự rút lại sau đó.
Thay đổi thói quen đại tiện
Polyp lớn hoặc nằm ở vị trí đặc biệt có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột, gây rối loạn đại tiện như mót rặn, tiêu chảy, táo bón hoặc luân phiên cả hai.
Đau bụng
Polyp bị kích thích khi ruột co bóp có thể gây co thắt và đau đột ngột ở vùng bụng, sau đó giảm khi ruột ngừng hoạt động mạnh.
Phát hiện polyp cần làm gì?
Khi nội soi phát hiện có polyp, các bác sĩ thường khuyến cáo cắt bỏ càng sớm càng tốt để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng. Nhiều trường hợp ung thư đại trực tràng không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, đến khi phát hiện thì đã ở giai đoạn tiến triển.
Một nghiên cứu đăng trên The Lancet Gastroenterology & Hepatology với hơn 100.000 người tham gia cho thấy, mọi loại polyp đều có khả năng phát triển thành ung thư.
Khuyến cáo của bác sĩ:
- Người bình thường nên nội soi đại tràng định kỳ 5 năm/lần sau tuổi 50.
- Nếu từng phát hiện polyp, nên kiểm tra lại sau mỗi 3 năm.
Đặc biệt, hai loại polyp có nguy cơ ung thư hoá 100% là:
Polyp tuyến (Adenomatous polyps)
Polyp dạng di truyền (Familial polyposis) → Cần cắt bỏ ngay lập tức nếu phát hiện.
Làm gì để ngăn ngừa polyp chuyển thành ung thư?
Dù phần lớn polyp là lành tính, người bệnh cũng cần chú ý phòng ngừa bằng cách:
Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi
Giàu chất xơ và vitamin, giúp tăng nhu động ruột, đào thải độc tố, cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Uống đủ nước mỗi ngày
Nên duy trì khoảng 1,5 lít nước/ngày (theo chỉ định bác sĩ nếu có bệnh về thận), giúp thanh lọc và làm mềm phân.
Tăng cường vận động
Thể dục đều đặn giúp tăng cường miễn dịch, thúc đẩy trao đổi chất. Người trưởng thành nên tập luyện 150 phút mỗi tuần (đi bộ nhanh, bơi lội, chạy bộ...).
Lời khuyên: Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường khi đi vệ sinh, nhất là khi có tiền sử gia đình mắc bệnh đường tiêu hoá, đừng chủ quan. Tầm soát sớm là cách tốt nhất để phát hiện polyp và ngăn chặn ung thư ngay từ đầu.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)