Thiên nhiên có nhiều dược liệu quý mà ít người biết tận dụng, trong đó có cỏ ngọt. Cỏ ngọt còn được gọi là cỏ đường, cỏ mật hay cúc mật. Đây là loại cây bụi lâu năm, mọc cao khoảng 0,5m và có lá dài 2-3cm. Ở nước ta, cỏ ngọt được trồng tại Hà Giang, Cao Bằng, Lâm Đồng…
Tên gọi của cây này phần nào đã mô tả được hương vị của nó. Hoạt chất tạo ngọt có trong thảo dược này những steviol glycoside, chủ yếu là stevioside và rebauside, có độ ngọt gấp 250 - 300 lần đường mía, chất ngọt này không bị nhiệt phân, có độ pH ổn định và không lên men được, nghĩa là không bị vi khuẩn, nấm men sử dụng.
Dẫu mang vị ngọt nhưng loại thực phẩm này không chứa calo nên rất được nhiều người yêu thích. Bạn có thể chế biến theo nhiều cách để sử dụng loại cỏ này. Song thông thường mọi người thường phơi khô sau đó sắc lấy nước uống.
Công dụng của cỏ ngọt:
Hạ đường huyết
Một nghiên cứu trên những người bị bệnh tiểu đường type 2 được thực hiện. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra việc sử dụng 1g chiết xuất cỏ ngọt và giả dược trước bữa ăn của những người bệnh. Kết quả cho thấy những người dùng cỏ ngọt đã có một mức độ glucose thấp hơn sau bữa ăn hơn so với nhóm dùng giả dược. Đây được xem là kết quả của sự tăng tiết insulin làm giảm lượng đường trong máu đến từ cỏ ngọt.
Nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh được cỏ ngọt là chất tạo ngọt gần như không có calo và carb. Nó được các chuyên gia khuyên dùng dành cho những người mắc bệnh béo phì và tiền tiểu đường.
Phòng chống tăng huyết áp
Các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của stevioside (hợp chất có trong cây cỏ ngọt) tiêm tĩnh mạch ở những con chuột tăng huyết áp tự phát. Kết quả cho thấy tác dụng hạ huyết áp trên cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương phụ thuộc vào liều lượng tiêm tĩnh mạch 50, 100 và 200 mg / kg. Mức giảm tối đa của huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương lần lượt là 31,4 +/- 4,2% và 40,8 +/- 5,6% và tác dụng hạ huyết áp kéo dài hơn 60 phút với liều 200 mg/kg.
Hỗ trợ phòng chống ung thư vú
Khoa Sinh học Phân tử và Công nghệ Sinh học, Đại học Kalyani, Ấn Độ, đã tiến hành thí nghiệm xác định xem stevioside (hợp chất được tìm thấy trong cây cỏ ngọt) có hoạt tính chống ung thư hay không. Độc tính tế bào, cảm ứng quá trình apotosis và các con đường hoạt động giả định của nó đã được nghiên cứu trong các tế bào ung thư vú ở người.
Kết quả đã chỉ ra rằng stevioside là một chất cảm ứng mạnh với quá trình chết rụng tế bào ung thư và có những tác động đầy hứa hẹn đối với các yếu tố phiên mã liên quan đến căng thẳng.
Chống viêm
Viêm mãn tính liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim, tiểu đường, và các rối loạn tự miễn. Cỏ ngọt đã được chứng minh có đặc tính chống viêm nhờ có chứa glycoside.
Ngoài ra, một hợp chất khác được tìm thấy trong cỏ ngọt, được gọi là rebaudioside A, đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn, nghĩa là nó có thể giúp chống lại vi khuẩn và virus có hại.
Kiểm soát cân nặng
Loại thảo dược này có thể được sử dụng để thay thế đường cho những người muốn giảm cân. Các hợp chất ngọt glycoside có trong cỏ ngọt không được cơ thể xử lý hoặc phân huỷ như đường. Nó sẽ đi qua đường tiêu hoá và được bài tiết qua nước tiểu. Nhờ đó, cỏ ngọt không góp phần làm tăng cân hay các vấn đề sức khỏe liên quan khác như béo phì và bệnh tim mạch.
Mặc dù đem đến nhiều tác dụng nhưng nếu không sử dụng đúng cách, bạn sẽ phải chịu 1 số tác dụng phụ từ loại thảo dược này
- Gây khó chịu đường tiêu hoá: Một số người có thể trải qua khó chịu tiêu hóa, như chướng bụng hay tiêu chảy, khi tiêu thụ cỏ ngọt với số lượng lớn. Bạn nên bắt đầu sử dụng cỏ ngọt với những lượng nhỏ và theo dõi phản ứng của cơ thể bạn.
- Dị ứng: Cỏ ngọt có thể gây ra phản ứng dị ứng cho những người nhạy cảm với cỏ phấn hương, hoa cúc, cúc vạn thọ và cúc tần.
- Hạ đường huyết và huyết áp xuống mức nguy hiểm: Sử dụng liều lượng cao lá cỏ ngọt có thể làm giảm lượng đường hoặc huyết áp xuống mức quá thấp. Do đó, những trường hợp đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường cần thận trọng khi dùng.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)