Thức khuya sẽ khiến sức khỏe gặp rất nhiều vấn đề, vậy như thế nào được tính là thức khuya. Nếu bạn có thắc mắc, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ dưới đây nhé, nó có thể khác với những gì bạn nghĩ.
Ảnh hưởng tới hệ miễn dịch
Khi thức khuya cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, cơ thể mệt mỏi và làm cho sức đề kháng của cơ thể giảm sút. Vì vậy những người thức khuya thường xuyên sẽ dễ bị mắc các bệnh do vi sinh vật gây nên như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp... hơn so với người ngủ đủ giấc.
Da mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí
(Ảnh minh họa)
Da mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí, nhiều dầu, đôi khi sần sùi và nổi mụn, dưới mắt có quầng thâm. Thức khuya ảnh hưởng đến làn da, nhất là da mặt. Thông thường vào tối muộn, da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, bị sạm và không mịn màng…
Tác hại của việc thức khuya tới hệ tiêu hóa
(Ảnh minh họa)
Các tế bào niêm mạc dạ dày tự tái tạo và hồi phục vào ban đêm trong khi ngủ. Việc thức khuya khiến cho các tế bào này không được nghỉ ngơi dẫn đến suy yếu. Hơn thế nữa, thức khuya khiến cho dịch dạ dày tiết ra nhiều, ăn mòn dạ dày dẫn đến viêm loét nếu tình trạng này kéo dài.
Thức khuya dễ làm giảm thị lực
Tương tự như các bộ phận trên, ban đêm là thời điểm đôi mắt được nghỉ ngơi và điều tiết sau 1 ngày hoạt động liên tục. Việc thức khuya không những cắt đi thời gian nghỉ ngơi của mắt mà còn ép đôi mắt phải làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng tự nhiên. Thức khuya thường xuyên sẽ dễ dẫn đến các bệnh đau mắt, nhức mỏi mắt, thâm quầng mắt, cận thị, loạn thị…
Vậy thức khuya là khi nào? Có thể nó khác với những gì bạn nghĩ
(Ảnh minh họa)
Vậy thức khuya là mấy giờ? Có thể nhiều người sẽ nói rằng thức khuya là 11h đêm, 12h đêm, nhưng theo đánh giá của các bác sĩ, không thể nói rằng 11h, 12h đêm là thức khuya được. Nhiều người nhầm lẫn rằng việc áp dụng một khung giờ “hoàn hảo” cho tất cả mọi người là hợp lý, nhưng điều này quả thật chưa đúng.
Đối với những người khác nhau, giờ làm việc, giờ ngủ và mức độ căng thẳng khác nhau. Đối với bạn, có thể bạn thường đi ngủ sớm, trước 11h đêm, nhưng đối với một số người làm việc ca đêm, thì có thể 11h họ mới bắt đầu làm việc nên không thể áp đặt thời gian biểu của bạn cho họ được. Ngoài ra, đối với những người quen ngủ ngày, họ thường thức quá 11h, 12h đêm sau đó mới đi ngủ, thì những người như vậy chỉ có thể gọi là ngủ muộn, không hẳn là thức khuya.
Các bác sĩ khẳng định rằng, mấu chốt của việc bạn có thức khuya hay không, nó không nằm ở việc bạn ngủ lúc mấy giờ, mà là chất lượng và thời gian của giấc ngủ.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)