Người phụ nữ nào cũng muốn được trở thành 1 người mẹ để yêu thương và chăm sóc những đứa trẻ của mình. Nếu chẳng may niềm mơ ước ấy của bạn chưa thành hiện thực, hãy cảnh giác với những nguyên nhân không lường tới này:
Giảm cân nghiêm trọng hoặc tập thể dục quá mức
Theo Bác sỹ Y khoa Alyssa Dweck tác giả của cuốn sách "V is for Vagina" (tạm dịch là "V là Âm đạo"), nếu chỉ số BMI của bạn giảm đột ngột xuống mức dưới 18 hoặc 19 sẽ khó có thể có bầu. Vì BMI giảm đột ngột thường là vì lý do bệnh lý như: chán ăn, chán ăn nghiêm trọng hoặc do bạn tập luyện quá mức với cường độ cao để mong có được thân hình "siêu mẫu". Cả 2 lý do này đều khiến bạn bị căng thẳng cực độ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự rụng trứng khiến bạn khó có thể mang thai.
Giảm cân quá nhanh chóng có thể khiến bạn khó thụ thai. (ảnh minh họa)
Lo lắng, căng thẳng
"Vùng dưới đồi" đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa hệ thần kinh và hệ nội tiết. Đối với phái đẹp, "vùng dưới đồi" phối hợp cùng tuyến yên có khả năng đưa ra các mệnh lệnh kích thích buồng trứng sản xuất các nội tiết và trứng phục vụ cho quá trình thụ thai.
Tuy nhiên, "vùng dưới đồi" này lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự căng thẳng, lo lắng. Vì thế, một sự kiện lớn sắp xảy ra hoặc đã xảy ra khiến bạn bị stress sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thụ thai.
Tuyến giáp bất thường
Tuyến giáp nằm ở cổ, có vai trò điều chỉnh nhiệt độ, sự trao đổi chất và nhịp tim của cơ thể chúng ta. Nó cũng tương tác với nhiều hệ thống khác trong cơ thể để giữ cho mọi thứ hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu hormone tuyến giáp hoạt động quá mức có thể làm tăng tốc sự trao đổi chất khiến bạn bị giảm cân, nhịp tim đập nhanh hoặc không đều... Nhưng nếu thiết hụt loại hormone này sẽ gây suy tuyến giáp, làm rối loạn sự cân bằng của cơ thể, gây ra một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như béo phì, đau khớp, bệnh tim và tình trạng vô sinh, hiếm muộn.
Chính vì vậy, nếu bạn cảm thấy cơ thể có dấu hiệu rối loạn tuyến giáp như: kiệt sức, chán nản, bồn chồn, lo lắng, thèm ăn, đầu óc mơ hồ, giảm ham muốn tình dục, tim đập nhanh, da khô, táo bón, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, đau người, tăng cân, nhiệt độ cơ thể không ổn định, lâu thụ thai... nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
Một số người có thể bị suy buồng trứng sớm trước tuổi 40 nên không thể có con.
(ảnh minh họa)
Buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang (PCOS) là sự mất cân bằng hormone trong cơ thể phụ nữ khiến họ không thể có trứng chín và rụng như bình thường. Người mắc bệnh PCOS sẽ có chu kỳ kinh nguyệt thất thường, nồng độ các loại hormone quan trọng như estrogen, progesterone và testosterone đều thiếu hoặc thừa dẫn đến mất cân bằng hormone, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thụ thai.
Nếu bạn cảm thấy cơ thể xuất hiện 1 vài dấu hiệu như: lông mọc nhiều ở mặt và ngực, tăng cân mất kiểm soát, khó giảm cân, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, chậm thụ thai... hãy đi khám sớm để thỏa ước mơ làm mẹ.
Mắc các bệnh mãn tính
Bệnh mãn tính là bệnh kéo dài thường trên 20 ngày, các triệu chứng không ồ ạt như bệnh cấp tính, nhưng tồn tại lâu và gây cho bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Có thể bạn không tin nhưng những bệnh mãn tính chả liên quan gì tới hệ sinh sản như: viễm xoang mãn tính, tiêu chảy mãn tính, viêm đại tràng mãn tính, viêm phổi mãn tính hay bệnh celiac đường ruột - khiến cơ thể không thể dung nạp gluten... đều có thể làm chậm khả năng thụ thai của bạn.
Tác dụng phụ của 1 số biện pháp tránh thai
Một số người có thể bị "mất kinh" sau khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày hoặc cấy que tránh thai. Điều này không phải là tình trạng quá nghiêm trọng. Bạn hoàn toàn có thể "mất kinh" 1 vài tháng sau khi ngừng các biện pháp tránh thai này và sau đó chu kỳ của bạn sẽ quay trở lại như bình thường.
Stress có thể khiến bạn khó thụ thai, tốt nhất hãy loại bỏ căng thẳng và lo lắng
để nhanh chóng có bầu. (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, với một số người, việc ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai liên quan đến nội tiết tố có thể tác động xấu tới khả năng sinh sản của họ. Vì thế, nếu bạn chưa từng làm mẹ, nên chọn biện pháp tránh thai khác như sử dụng bao cao su để tránh ảnh hưởng tử các loại thuốc có nội tiết tố.
Mãn kinh sớm
Thông thường, phụ nữ ngoài độ tuổi 40 mới bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, suy giảm nội tiết tố. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ nữ gặp tình trạng bị suy buồng trứng sớm, trước tuổi 40. Mãn kinh sớm có thể khiến chị em mất khả năng làm mẹ.
Nếu bạn gặp các dấu hiệu gồm: cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, khô âm đạo, giảm ham muốn, rối loạn kinh nguyệt... thì cần đi khám sớm để được bác sỹ chăm sóc.
Theo Khampha.vn