Cà phê. Loại thức uống này được nhiều người liệt vào danh sách nhóm thực phẩm không tốt cho sức khỏe, nhưng trong chừng mực nào đó cà phê lại là thức uống tuyệt vời. Cynthia Sass, chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ cho biết, cà phê dồi dào chất chống oxy hóa và rất thích hợp uống vào mỗi sáng để tăng cường sự tỉnh táo và sảng khoái cho cả ngày. Tuy nhiên, sau khi thưởng thức xong tách cà phê, cần chuyển sang ly nước lọc hoặc trà xanh để làm loãng bớt chất caffein.
Thịt xông khói. Theo Rachel Begun, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng ở Boulder, Colorado (Mỹ), ăn thịt xông khói điều độ với số lượng nhỏ không nguy hại nhiều đến sức khỏe. Để giảm bớt lượng natri và chất béo bão hòa trong thịt xông khói hãy ăn kèm nó với salad. Ngoài ra, nghiên cứu mới đây của Bệnh viện St George (Mỹ) đã chỉ ra rằng thịt xông khói là một trong những loại thịt giàu chất dinh dưỡng với hàm lượng vitamin, khoáng chất bao gồm: B6, B12, niacin, thiamine, riboflavin, sắt, magie, kali và kẽm đều ở mức khá cao. Việc thêm thịt xông khói vào thực đơn trong một đến hai bữa ăn mỗi tuần chẳng những vô hại mà còn rất có lợi cho sức khỏe.
Sữa chua chứa chất béo. Rất nhiều chuyên gia khuyến cáo sữa chua tách béo mới thật sự tốt cho sức khỏe, tuy nhiên chuyên gia dinh dưỡng Renee Clerkin ở Chicago (Mỹ) cho rằng chất béo trong sữa chua không hề làm ảnh hưởng đến cân nặng. Theo một nghiên cứu ở Thụy Điển, phụ nữ có cân nặng bình thường tiêu thụ sữa chua chứa chất béo ít có khả năng tăng cân theo tuổi tác.
Khoai tây. Rất nhiều người ám ảnh khi nghĩ đến khoai tây vì nó nổi tiếng là loại tinh bột góp phần làm tăng chu vi vòng eo. Nhưng chuyên gia dinh dưỡng Sass lại nhìn khoai tây dưới góc độ khác. Theo cô, khoai tây cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin B, C, sắt, canxi, kali, chất xơ, và cũng là một loại carb không hòa tan có tác dụng đốt cháy chất béo được gọi là tinh bột kháng. Tinh bột kháng đã được ghi nhận với lợi ích quản lý trọng lượng, bao gồm cả khả năng đốt cháy chất béo.
Mì ống. Nếu bạn từ bỏ món mì ống vì cho rằng chỉ số đường huyết cao thì nên suy nghĩ lại. Mì ống được làm từ lúa mì màu trắng có chỉ số đường huyết 50, được coi là thấp. Điều đó có nghĩa là mì ống sẽ không gây tăng nhanh lượng đường trong máu và sẽ giữ cho bạn cảm thấy no lâu hơn. Để một bữa ăn đầy đủ và cân bằng, có thể chuẩn bị mì ống với protein nạc (cá, thịt gà), chất béo lành mạnh (dầu ô liu) cùng nhiều loại rau giàu chất xơ khác.
Nho khô. Không giống như nhiều loại trái cây sấy khô, nho khô không phải là một "quả bom" chứa đường. Mặc dù hầu hết các loại trái cây khô đều chứa đường, nhưng nho khô hoàn toàn không. Nếu ăn nho tươi tốt cho sức khỏe như thế nào thì nho khô cũng vậy, chúng đều chứa các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa mạnh tương tự như những trái cây tươi.
Sô cô la. Đây được xem là thực phẩm dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe nếu dùng có giới hạn. Dưới góc độ hóa học, bột cacao - nguyên liệu chủ yếu sản xuất sô cô la chứa nhiều loại chất hữu cơ polyphenolic hoặc chất chống viêm bao gồm catechine và epicatechin và một lượng nhỏ các chất xơ. Các chất này sẽ được vi khuẩn tiếp nhận tại ruột kết. Tại đây, chất xơ được lên men và các polyphenolic kích thước lớn sẽ được chuyển đổi thành các hợp chất nhỏ hơn để dễ dàng hấp thụ vào cơ thể. Những chất này phát huy công dụng tuyệt vời trong việc chống lại bệnh tật.
Bỏng ngô. Nếu bạn bỏ qua bỏng ngô khi đi xem phim tức là bạn đã bỏ lỡ một trong những loại ngũ cốc lành mạnh. Các nhà nghiên cứu cho biết bỏng ngô chứa nhiều loại dinh dưỡng thực vật. Nó có chứa gấp đôi polyphenol so với một khẩu phần trái cây. Hơn thế, bỏng ngô hoàn toàn là ngũ cốc nguyên hạt, không giống như một số loại ngũ cốc khác.
Theo Thanh Niên