Công dụng của lá lốt
Theo y học cổ truyền lá lốt có vị nồng, hơi cay và tính ấm. Vì thế lá lốt có thể giúp chữa được nhiều bệnh như giảm đau xương khớp, giải độc, giúp giảm chứng tay chân lạnh, giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa...
Lá lốt có mùi thơm đặc trưng, có chứa nhiều hợp chất hữu cơ như beta-caryophylen, benzylaxetat, piperolotin, piperolotidin, piperlolotinon...
Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi cho hay, lá lốt được coi là một vị thuốc. Đau nhức xương khớp thuộc phạm trù chứng Tý - kinh mạch, khí huyết tắc nghẽn dẫn tới đau. Bởi vậy mà để chữa cần tập trung vào hoạt huyết, bồi bổ khí huyết, can thận giúp thuyên giảm các chứng đau.
Gợi ý bài thuốc chữa bệnh đau xương khớp từ lá lốt
- Lấy 15g lá lốt đã phơi khô (khoảng 20-30g lá tươi), sắc 2 chén nước còn ½ chén, uống trong ngày. Nên uống khi thuốc còn ấm, sau bữa ăn tối. Mỗi liệu trình điều trị 10 ngày.
- Hoặc lá lốt và rễ các cây bưởi bung, vòi voi, cỏ xước (mỗi vị 30g), tất cả đều dùng tươi, thái mỏng, sao vàng, sắc với 600ml nước còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 7 ngày.
- Lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau.
Mặc dù, lá lốt có nhiều lợi ích nhưng lạm dụng quá không tốt. Các bác sĩ khuyên rằng, không nên ăn lá lốt quá 2 lần/tuần vì loại rau này có tính ấm, có thể gây nóng trong và kích thích dạ dày, đường ruột. Nếu trường hợp bạn đang bị sốt, nhiệt miệng, táo bón, môi khô, mụn nhọt... thì ăn lá lốt cũng không phù hợp sử dụng.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)