Một nghiên cứu của Mỹ khuyến cáo phụ nữ nên ăn 25 gam chất xơ/ngày và nam giới nên ăn 38 gam chất xơ/ngày. Vậy nên ăn loại rau củ nào cung cấp chất xơ nhiều nhất?
Bạn có biết là các loại rau củ đều chứa chất xơ, tuy nhiên lượng chất xơ trong mỗi loại rau củ lại khác nhau. Bài viết trên chuyên trang dinh dưỡng Eating Well của Mỹ vào tháng 2 vừa qua đã công bố danh sách 9 loại rau chứa nhiều chất xơ nhất, trong đó có nhiều loại rau củ quen thuộc với người Việt chẳng hạn như củ dền (xếp thứ 6), khoai lang (4), cải kale (3).
Xếp ở vị trí trí số 1 là atiso. Theo chuyên trang Eating Well, 1 bông hoa atiso cỡ trung bình chứa 7g chất xơ. Trong khi đó, 1 củ khoai tây cỡ trung bình chưa gọt vỏ chỉ chứa 3,63g chất xơ, 1 củ cà rốt cỡ trung bình chứa khoảng 1,4g chất xơ, 1 cây súp lơ trắng chứa khoảng 2g chất xơ.
Hoa atiso được đánh giá là giàu chất xơ nhất thế giới.
Chuyên gia dinh dưỡng Beth Czerwony, làm việc tại phòng khám Cleveland Clinic cho biết: “Atiso rất ngon và bổ dưỡng”.
Chất xơ trong hoa atiso có thể giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón bằng cách thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong ruột.
Ngoài giàu chất xơ, hoa atiso còn chứa các hợp chất thực vật tự nhiên (phytochemical). Các hợp chất này có đặc tính chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và virus, chuyên gia Czerwony chia sẻ.
Nghiên cứu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) phát hiện ra rằng atiso có hàm lượng chất chống oxy hóa cao thứ hai trong tất cả các loại rau củ.
Các chất chống oxy hóa này cũng làm giảm tác hại của các gốc tự do, ngăn ngừa các tổn thương ở tế bào và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính.
Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng polyphenol - một loại hợp chất chống oxy hóa - có nhiều trong hoa atiso có thể giúp cơ thể chống lại chứng viêm, ngăn chặn các tế bào ung thư sinh sôi và phát triển.
Bên cạnh đó, hoa atiso cũng chứa chất chống oxy hóa silymarin có thể bảo vệ gan khỏi tổn thương. Các nghiên cứu cho thấy silymarin có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh xơ gan và gan nhiễm mỡ và thậm chí có thể làm giảm tử vong do bệnh gan.
Chất cynarin có trong atiso có thể làm giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và bệnh tim mạch.
Hơn nữa, hoa atiso cũng chứa hàm lượng magie tuyệt vời - một khoáng chất giúp điều hòa huyết áp và hỗ trợ sức khỏe xương, trang Eating Well viết.
Atiso du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Hiện nay, cây atiso được trồng ở Quản Bạ (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhiều nhất là ở Đà Lạt (Lâm Đồng).
Các bộ phận của cây atiso như: thân, lá, hoa, rễ đều được sử dụng để chế biến dược liệu, do đó người dân có thể bán và thu về lợi nhuận. Trên thị trường, bông Atiso tươi đang được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 120.000-200.000 đồng/kg tuỳ loại.
Tại tỉnh Lâm Đồng, atiso được trồng chủ yếu tại thành phố Đà Lạt và vùng lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương. Thống kê cho thấy, năm 2023 Lâm Đồng có khoảng 162ha atiso, năng suất bình quân 504 tạ/ha, sản lượng khoảng 8.200 tấn.
Ngoài tỉnh Lâm Đồng, atiso cũng được trồng tại Sa Pa. Theo thông tin đăng tải trên báo Quân đội nhân dân, tổng sản lượng atiso trong niên vụ 2023-2024 đã đạt 1.920 tấn, mang về doanh thu hơn 5 tỷ đồng.
Việc phát triển vùng trồng dược liệu atiso không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn cải thiện đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số tại thị xã Sa Pa.
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)