Rau sắng còn được gọi với những cái tên như rau ngót rừng, cây mì chính... Đây là loại cây thân mộc, mọc tự nhiên ở các vách đá trên núi, nơi có độ cao trên 100m so với mực nước biển. Rau sắng là cây ưa nắng. Loại cây này thậm chí còn được nhắc đến trong Sách đỏ Việt Nam - danh sách các loài động vật, thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý hiếm, đang bị giảm sút số lượng nghiêm trọng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
Loài rau này đặc sản vừa ngon ngọt lại vừa bổ dưỡng có giá trị dinh dưỡng cao xuất sắc cho sức khỏe, đặc biệt là giàu đạm, vitamin C... Không chỉ vậy rau sắng còn được coi như là một loại cây dược liệu bởi nó chứa một lượng lớn các axit amin không thể thay thế, có vai trò không hề nhỏ trong quá trình sinh tổng hợp protein của cơ thể, có tính năng bồi bổ sức khỏe.
Theo một số nghiên cứu rau sắng hàm lượng protit và acid amin cao hơn hẳn các loại rau khác. Trong 100g rau sắng có khoảng 6,5 – 8,2g protit, 0,23g lysin, 0,19g methionin, 0,08g tryptophan, 0,25g phenylanalin, 0,45g treonin, 0,22g valin, 0,26g leucin và 0,23g isoleucin, 11,5 mg vitamin C, 0,6 mg caroten,...
Hoa rau sắng cũng rất có giá trị. Cụm hoa giống như chuỳ, phân nhánh không đầu, chủ yếu tập trung thành nhóm ở thân chính. Có cây hoa nảy ra từ cành, thậm chí cả nách lá phần đỉnh cành. Hoa rau sắng thuộc hoa đơn tính, màu xanh.
Hoa đực không cuống, đơn độc chủ yếu ở cuối cành hoặc ở nách lá bắc nhỏ. Cánh hoa cong, nhị rất ngắn đính vào gốc cánh hoa.
Hoa rau sắng rất thơm. Nếu không có hoa và quả thì rất khó định loại được rau sắng, vì lá của rau sắng rất giống với lá của một số loài khác thường được dùng làm rau ăn.
Rau sắng ra hoa từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, kết quả vào tháng 4-8. Quả sắng chín rộ vào tháng 5, tháng 6. Một cân quả sắng chín có khoảng 185 quả, đãi ra được 236 hạt.
Thường rau sắng có giá khoảng 200.000-350.000 đồng/kg, đấy là độ vào mùa, nhưng khi khan hàng có thể lên tới hơn 1 triệu đồng/kg. Nếu so ra, giá loại rau này cao ngang ngửa tôm, thịt. Theo đó, rau sắng đang trở thành thứ rau đắt nhất của giới sành ăn.
Thông thường mùa của rau sắng vào tháng 2 và tháng 3 Âm lịch hằng năm. Rau sắng thường mọc ở các vùng núi cao trên 100m. Phổ biến ở khu vực chùa Hương (Hà Nội), vùng núi đá Kim Bảng (Hà Nam), vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… Người dân thu hoạch những ngọn non từ cây thân gỗ cao 3-7m. Hoa rau sắng mọc ở thân cây. Hoa và lá non đều ăn được và trở thành đặc sản.
Một số bài thuốc dân gian từ cây rau sắng
Ngoài là thực phẩm sạch và giàu dinh dưỡng thì rau sắng còn là vị thuốc. Trong Đông y, lá và rễ rau sắng đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc.
- Trị nhiệt miệng: Khi bị nhiệt do bia, rượu, chỉ cần giã khoảng 40g rau sắng chắt lấy nước uống trong khoảng hai ngày sẽ giảm hẳn. Trước đây, rau sắng còn được dùng để bồi bổ cho người mới ốm dậy.
- Tiêu độc: Lá rau sắng còn chữa sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc,... Rễ rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống trong ngày có tác dụng lợi tiểu, thông huyết, kích thích tử cung co bóp...
- Trị mụn nhọt: Với trẻ em bị mụn nhọt, ho, viêm phổi, cha mẹ dùng loại lá này nấu canh giúp tiêu độc nhanh cho con. Trường hợp trẻ bị tưa lưỡi lấy rau sắng giã nát, hòa với mật ong và dùng bông gạc thấm, chà lên lưỡi, họng.
- Tốt cho người bị loãng xương: Rau sắng rất giàu đạm nên được khuyên dùng thay thế đạm động vật, nhằm hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận.
Ai không nên ăn rau sắng?
Cây rau sắng tuy là loại rau lành tính và chứa một số công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi bạn ăn rau sắng bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:
• Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai không nên ăn rau sắng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
• Những người bị huyết áp thấp cũng không nên ăn bởi có thể khiến huyết áp càng thêm thấp.
• Người có đường ruột kém, yếu bụng, dễ bị tiêu chảy cũng cần hạn chế ăn cây rau sắng.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)