Quả sung được biết đến là loại trái cây trường thọ và cũng là loại trái cây cổ điển trong chế độ ăn Địa Trung Hải. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng quả sung có lợi ích sức khỏe về tim mạch, chức năng nhận thức, phòng ngừa ung thư...
Trong quả sung có vitamin, khoáng chất, axit hữu cơ, axit amin, chất xơ và nhiều thành phần hóa học thực vật như carotenoid, hợp chất polyphenolic... Vì vậy, không thể đánh giá thấp những lợi ích sức khỏe của quả sung.
1. Bảo vệ hệ tim mạch
Quả sung chứa lượng lớn polyphenol, bao gồm flavonoid và anthocyanin, có lợi cho sức khỏe mạch máu. Lợi ích của polyphenol bao gồm cải thiện tình trạng tăng huyết áp, hoạt động kháng tiểu cầu, ức chế quá trình oxy hóa lipoprotein mật độ thấp, ức chế các tổn thương xơ vữa động mạch...
Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng chiết xuất quả sung có tác dụng hạ huyết áp và chống tăng huyết áp đối với chuột bị tăng huyết áp do glucose gây ra.
2. Giảm nguy cơ ung thư
Quả sung rất giàu polyphenol và flavonoid, được chứng minh là có tác dụng chống viêm, điều hòa miễn dịch và chống ung thư mạnh mẽ.
Một nghiên cứu đánh giá được công bố trên tạp chí Phytomedicine vào năm 2022 đã mô tả khả năng của quả sung trong việc ức chế sự hình thành khối u và phát triển tế bào ung thư. Quả sung có thể điều chỉnh nhiều cơ chế truyền tín hiệu trong cơ thể, bao gồm cả những cơ chế liên quan đến tăng sinh tế bào, điều hòa chu kỳ tế bào, apoptosis... do đó nó giúp ngăn ngừa sự xuất hiện và phát triển của bệnh ung thư.
3. Cải thiện bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất trên thế giới. Một đánh giá của các nghiên cứu đã so sánh tác dụng của quả sung và thuốc trị tiểu đường metformin đối với bệnh tiểu đường loại 2. Theo đó, họ phát hiện ra rằng metformin làm giảm nồng độ đường trong máu của bệnh nhân xuống 27,6%, trong khi quả sung làm giảm nồng độ đường trong máu xuống 13,5%, tương đương với tác dụng một nửa thuốc.
Ngoài ra, các nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra rằng nước sắc lá sung còn có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu sau ăn ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1. Một nghiên cứu khác trên động vật cho thấy ficin phân lập từ lá sung có thể làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện lipid máu, insulin huyết tương, dấu hiệu viêm thận, glycogen gan và men gan ở chuột mắc bệnh tiểu đường loại 2.
4. Chất chống oxy hóa
Christopher Gardner - nhà khoa học dinh dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa Stanford, cho biết trong thông cáo báo chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ rằng quả sung có vị ngọt và chứa nhiều đường tự nhiên, nhưng chất xơ trong sung có thể giúp làm chậm quá trình giải phóng đường trong máu. Ông cho biết, quả sung khô có thể được ăn như một món ăn nhẹ và cũng chứa các chất dinh dưỡng thực vật lành mạnh và chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào.
Nghiên cứu cho thấy quả sung khô có chất chống oxy hóa tốt hơn vitamin C và E. Trong vòng 4 giờ sau khi các đối tượng tiêu thụ 40 gram quả sung khô, khả năng chống oxy hóa trong huyết tương tăng lên đáng kể.
5. Cải thiện bệnh Alzheimer
Quả sung rất giàu chất xơ và khoáng chất, đồng thời là nguồn cung cấp proanthocyanidin và quercetin dồi dào, có đặc tính chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe não bộ. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cho hai nhóm chuột biến đổi gen mắc bệnh Alzheimer ăn cùng một chế độ ăn. Một nhóm chuột đã bổ sung 4% bổ sung quả sung vào chế độ ăn của chúng trong 15 tháng.
Kết quả cho thấy so với những con chuột được bổ sung quả sung, những con chuột được cho ăn chế độ ăn không có quả sung cho thấy sự suy giảm trí nhớ đáng kể, tăng các hành vi liên quan đến lo lắng và suy giảm nghiêm trọng khả năng học tập phân biệt không gian, vị trí cũng như khả năng phối hợp vận động. Kết quả cho thấy việc bổ sung quả sung vào chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện sự thiếu hụt về nhận thức và hành vi ở những người mắc bệnh Alzheimer.
6. Giảm táo bón
Quả sung được coi là một phương thuốc cổ xưa chữa táo bón và giúp nuôi dưỡng đường ruột. Một nghiên cứu cho thấy so với nhóm đối chứng, những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích ăn sung trong vòng 4 tháng có thể cải thiện đáng kể tần suất đại tiện, tần suất đau, chướng bụng và các triệu chứng phân cứng, đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy chiết xuất quả sung có tác dụng nhuận tràng tự nhiên, không gây tiêu chảy và có thể làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của chứng táo bón do viêm đại tràng gây ra.
7. Tăng mật độ xương
Quả sung rất giàu khoáng chất và là nguồn cung cấp canxi và kali tốt. Cùng với nhau, những khoáng chất này có thể làm tăng mật độ xương, từ đó ngăn ngừa các bệnh như loãng xương.
Một nghiên cứu với 8.732 nam giới trên 50 tuổi và phụ nữ sau mãn kinh cho thấy những phụ nữ tiêu thụ nhiều kali có mật độ xương cao hơn những người tiêu thụ ít kali. Ngoài ra, bổ sung nhiều kali hàng ngày còn làm giảm đáng kể nguy cơ loãng xương ở cột sống thắt lưng của phụ nữ lớn tuổi. Tuy nhiên, nguy cơ loãng xương ở nam giới chưa được chứng minh là có liên quan đến lượng kali trong chế độ ăn uống.
8. Cải thiện các bệnh về da
Quả sung có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng vi-rút và kháng khuẩn giúp điều trị viêm da dị ứng. Nghiên cứu cho thấy đối với trẻ em bị viêm da dị ứng nhẹ đến trung bình, chiết xuất quả sung có thể thay thế corticosteroid thông thường và có tác dụng giảm triệu chứng, an toàn và dung nạp tốt hơn.
Quả sung tuy tốt nhưng 3 kiểu người cần cẩn thận khi ăn quả sung
Sung tươi hay sấy khô đều giàu giá trị dinh dưỡng nhưng lại có hàm lượng đường cao. Khoảng 70 đến 80% carbohydrate trong quả sung là đường. Do đó, những người có lượng đường trong máu cao hoặc tiểu đường không nên ăn nhiều. Ngoài ra, vì quả sung có nhiều chất xơ nên những người có vấn đề về đường tiêu hóa kém hoặc những người bị tiêu chảy tốt nhất nên ăn ít hơn để tránh các triệu chứng trầm trọng hơn.
Gợi ý món salad quả sung
Trang web chính thức của Hiệp hội Nông nghiệp Nhật Bản giới thiệu món salad phô mai cà chua sung đơn giản và tốt cho sức khỏe. Món salad chỉ mất 5 phút để chuẩn bị, rất phù hợp cho những nhân viên văn phòng bị áp lực về thời gian.
Nguyên liệu: Cà chua nhỏ, sung, 100 gam phô mai không đường, 5 gam nước cốt chanh.
Cách làm:
- Cắt cà chua bi và quả sung thành miếng nhỏ còn nguyên vỏ.
- Thêm nước cốt chanh vào phô mai và trộn đều.
- Trộn cà chua và quả sung cắt lát vào phô mai rồi dùng ngay.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)