Bưởi ăn không cẩn thận sẽ thành hại
Là một thành viên trong họ trái cây họ cam quýt, bưởi có mùi thơm, vị chua ngọt, bản thân nó là một loại trái cây tốt nhưng nếu không hiểu rõ những điều cấm kỵ của nó thì sẽ thay đổi từ “thiên thần” trở thành “ác quỷ”!
Từ lâu, các bác sĩ đã phát hiện ra rằng các thành phần trong bưởi có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc trong cơ thể con người, từ đó làm thay đổi tác dụng của thuốc, đồng thời sẽ ức chế hoạt động của các men thuốc gan trong cơ thể con người và ảnh hưởng đến chức năng giải độc của gan.
Nếu người bệnh uống nước bưởi trong khi đang dùng một số loại thuốc hạ huyết áp sẽ gây tụt huyết áp bất thường, thậm chí gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như tụt huyết áp đột ngột.
Bưởi có thể tác dụng với nhiều loại thuốc, xin nhắc nhở mọi người không nên uống nước bưởi khi dùng các loại thuốc sau:
- Một số loại thuốc hạ huyết áp như nifedipine;
- Một số statin làm giảm cholesterol, chẳng hạn như viên simvastatin, viên atorvastatin và viên pravastatin;
- Một số loại thuốc dùng điều trị rối loạn nhịp tim như amiodarone hydrochloride;
- Một số thuốc kháng histamine dùng để điều trị dị ứng như fexofenadine;
- Dùng sau một số ca ghép tạng, dùng thuốc chống đào thải như cyclosporine;
- Một số loại thuốc chống lo âu như buspirone.
Muốn ăn bưởi thì phải đợi bao lâu sau khi uống thuốc?
Vì có những tương tác thuốc diễn ra khi ăn bưởi và uống thuốc nên nếu bệnh nhân đang điều trị với bất cứ loại thuốc này, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Các chuyên gia đã khuyến cáo rằng không nên ăn bưởi và uống thuốc cùng nhau để giảm thiểu những rủi ro sức khỏe nguy hiểm. Nếu thích ăn bưởi thì nên dùng cách xa thời điểm uống thuốc ít nhất 8-10 giờ.
Bơ, sầu riêng có thể gây gan nhiễm mỡ gây béo phì
Hàm lượng chất béo trong bơ khoảng 15%, cao hơn nhiều so với thịt nạc và cá thông thường (hàm lượng chất béo khoảng 3% đến 5%). Không quá lời khi nói rằng nếu bạn ăn một quả bơ lớn hơn thì lượng chất béo nạp vào hàng ngày của bạn sẽ vượt quá tiêu chuẩn.
Như chúng ta đã biết, gan rất sợ “béo”, nếu ăn quá nhiều thực phẩm nhiều chất béo, chất béo sẽ tích tụ trong gan, hình thành gan nhiễm mỡ và cuối cùng gây tổn hại đến chức năng gan. Vì vậy, nếu không muốn gan bị “béo”, tốt nhất bạn nên ăn ít bơ hơn, mỗi lần chỉ ăn 1/4 quả bơ.
Sầu riêng được mệnh danh là “Vua của các loại trái cây” cũng là “Vua” về lượng calo và hàm lượng chất béo. Ước tính trong 100 gam cùi sầu riêng có hàm lượng đường cao tới 27 gam, ít người biết rằng đường trong quả còn có thể gây hại cho gan nếu dùng quá nhiều.
Vì vậy, người khỏe mạnh không nên ăn quá 2 miếng sầu riêng mỗi ngày (phần ăn được không quá 100g), người béo phì, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, mỡ máu cao cố gắng không ăn hoặc số lượng hàng ngày nên được kiểm soát trong vòng 1 miếng nhỏ.
Dừa: Quá nhiều calo và đường
Hàm lượng calo của nước dừa không cao, lượng calo của nó chủ yếu tập trung ở cùi dừa. Theo phân tích, cứ 100 gam cùi dừa có lượng calo cao tới 241 calo, hàm lượng chất béo là 12% và hàm lượng đường cao tới 31,3%. Dầu dừa làm từ dừa có hàm lượng axit béo bão hòa lên tới hơn 80%, không kém gì mỡ lợn.
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cảnh báo: hấp thụ quá nhiều axit béo bão hòa có thể dễ dẫn đến xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não. Vì vậy, khi ăn dừa, tốt nhất mọi người nên ăn ở mức độ vừa phải.
Người có dạ dày xấu: Cẩn thận với táo và hồng
Táo và hồng đều là những loại trái cây được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, trong cả hai loại đều chứa một lượng lớn axit tannic, axit này kết hợp với protein trong dạ dày tạo thành protein axit tannic không tan trong nước, dễ gây sỏi dạ dày.
Người có thận yếu: Tránh khế và cẩn thận với những loại có hàm lượng kali cao
Người có chức năng thận kém nếu ăn nhiều khế sẽ có triệu chứng lú lẫn, yếu ớt, tê tay chân, nặng hơn thậm chí có thể bị hôn mê... Các loại trái cây như dưa đỏ, sung, mơ, lựu, táo, chuối, cam nằm trong số những loại trái cây chứa kali hàng đầu. Với người bị viêm thận cấp, viêm thận mãn tính, chức năng thận kém thì chống chỉ định các loại trái cây có hàm lượng kali quá cao. Ngoài ra, những người bị suy thận nên thận trọng khi ăn dưa hấu, vì thận có khả năng điều hòa nước rất kém và không thể đào thải quá nhiều nước vào cơ thể, khiến lượng máu tăng mạnh và dễ gây đau tim cấp tính.
Người có lượng đường trong máu cao: Cẩn thận với trái cây có hàm lượng đường cao
Chuối, nhãn, mía, táo đỏ, hồng, lựu, vải thiều, thanh long... đều là những loại trái cây có hàm lượng đường cao. Bệnh nhân có lượng đường trong máu cao nên cẩn trọng khi sử dụng các trái cây này. Tốt nhất là làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trái cây rất ngon và bạn cần biết cách ăn khoa học
Nên ăn trước hay sau bữa ăn?
Thực ra điều này còn tùy thuộc vào tình trạng đường tiêu hóa của mỗi người
- Người cao tuổi có đường tiêu hóa khỏe mạnh không bị giới hạn thời gian ăn trái cây;
- Người cao tuổi có chức năng tiêu hóa kém nên ăn trái cây chua sau bữa ăn;
- Một số người cao tuổi mắc chứng khó tiêu nên đợi một lúc sau bữa ăn mới ăn trái cây.
Nếu trái cây bị mốc, thối thì không được ăn
Nếu trái cây đã bắt đầu hư hỏng hoặc thậm chí bị mốc sau khi bảo quản lâu ngày thì không nên ăn dù chỉ một chút vì aflat oxin trong đó cực kỳ có hại cho gan, làm tăng độc tố gan và gây tổn hại nghiêm trọng tế bào gan, gây hoại tử gan, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)