Tờ Food Daily cho rằng không chỉ là thực phẩm, hạt vừng (hạt mè) còn là thuốc đem lại nhiều công dụng với sức khoẻ người sử dụng. Loại hạt có kích thước vô cùng nhỏ này nhưng lại rất giàu protein, vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 100g hạt vừng có chứa:
Calo: 563
Carb: 23,4g
Chất xơ: 11,8g
Chất đạm: 17,7g
Canxi: 975mg
Sắt: 14,6mg
Phốt pho: 629mg
Kali: 468mg
Magie: 351mg
Dưới đây là một số lợi ích của loại hạt “nhỏ nhưng có võ” này:
Hạ đường huyết
Magie và các chất dinh dưỡng khác có trong cùng đã được chứng minh có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Sử dụng dầu mè cũng được khẳng định có tác dụng hạ đường huyết và huyết áp ở bệnh nhân tiểu đường quá mẫn cảm.
Nhờ nguồn cung cấp protein dồi dào, với các axit amin chiếm đến 20%, vừng là một nguyên liệu lý tưởng bổ sung vào chế độ ăn cho người ăn chay. Bạn chỉ cần rắc thêm vừng vào các món ăn salad, mì trộn hay rau trộn.
Phòng chống ung thư
Trong hạt vừng có chứa phytosterol một loại hợp chất có cấu trúc hóa học tương tự cholesterol, nên có khả năng làm giảm cholesterol trong máu. Theo kết quả nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nông Nghiệp và Hóa thực phẩm hạt vừng là loại thực phẩm có chứa hàm lượng phytoterol cao nhất: 400-413 mg/100 g. Hợp chất này còn giúp tăng cường miễn dịch và giảm nguy cơ một số loại ung thư.
Ngoài ra, trong hạt vừng còn chứa một lượng lớn chất khoáng canxi (trong 1/4 chén vừng cung cấp tới 35,1% nhu cầu canxi hằng ngày) - một loại chất khoáng được chứng minh là có hiệu quả trong việc bảo vệ tế bào ruột kết khỏi các hóa chất gây ung thư.
Tốt cho sức khoẻ tim mạch và người huyết áp cao
Dầu vừng (được ép từ hạt vừng) có công dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, do đó có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Trong vừng chứa hợp chất chống oxy hóa và chống viêm được gọi là sesamol, chống xơ vữa động mạch.
Hạt vừng cũng chứa nhiều axit oleic (loại axit béo không bão hòa đơn) giúp làm giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt trong cơ thể. Nhờ vậy, thường xuyên ăn vừng có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và đột quỵ.
Magie trong vừng có công dụng hạ huyết áp, vì vậy người tăng huyết áp nên ăn các món ăn chứa vừng.
Giúp xương chắc khoẻ
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khuyến nghị người từ 19 tuổi trở lên nên bổ sung 1.000mg canxi/ngày; lượng canxi cần thiết trong ngày đối với phụ nữ trên 51 tuổi và nam giới trên 71 tuổi là 1.200mg, người từ 14-18 tuổi là 1.300mg. Vừng có chứa một lượng canxi rất cao. Trong 100g vừng có tới 975mg canxi.
Canxi là chất thiết yếu giúp xương và răng chắc khỏe. Theo một nghiên cứu, thường xuyên ăn hạt vừng giàu canxi có thể giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương sau này.
Chống lão hoá
Hạt vừng đen được cho là có tác dụng nuôi dưỡng não bộ, làm chậm quá trình lão hóa. Thường xuyên ăn vừng đen có thể làm giảm các triệu chứng đau lưng, đau nhức, cứng khớp và yếu khớp.
Các chất chống oxy hóa trong vừng giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, phylate trong vừng được biết tới với đặc tính ngăn ngừa ung thư.
Duy trì sức khoẻ tinh thần
Trong hạt vừng có một loại axit amin có tên là tyrosine. Axit amin này tác động đến hoạt động của serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh). Mất cân bằng serotonin có thể dẫn đến trầm cảm hoặc căng thẳng. Việc tiêu thụ hạt vừng giúp kích thích sản xuất serotonin, giảm lo lắng và căng thẳng.
Lưu ý khi sử dụng vừng
Tuy vừng rất có tác dụng trong việc chữa bệnh, nhưng có nhiều người nghĩ ăn vừng thay cơm để phòng và chữa đái tháo đường, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch,... Theo các chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia Mỹ, điều này hoàn toàn phi khoa học. Ăn như vậy sẽ thiếu dinh dưỡng dẫn tới bệnh lý hoặc làm bệnh nặng hơn.
Lý do là bởi vì trong vừng chứa rất ít chất bột đường, gần như không có, trong khi nhu cầu dinh dưỡng ở người bình thường hay ăn kiêng để kết hợp điều trị như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, xơ vữa,... thì vẫn phải đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm cơ bản: chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin, muối khoáng, nước, chất xơ,...
Vì vậy, trong bữa cơm, vừng chỉ có thể được xem là một thực phẩm bổ dưỡng dùng để bổ sung, cung cấp thêm dưỡng chất cũng như tăng cường nguồn năng lượng từ chất béo cho bữa ăn, chứ không thể thay thế hoàn toàn cơm.
Theo Đông y, vừng thuộc hàn nếu người thể hàn dùng dễ sinh tiêu chảy, nếu dùng nhiều lâu dần sẽ hỏng đường tiêu hóa. Vì vậy những người có tính nhuận trường, bụng yếu hay bị tiêu chảy không nên dùng.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)